Lãi suất ngân hàng sẽ biến động ra sao trước áp lực của lạm phát?

(DNTO) - Hiện nay, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động, thậm chí thị trường đã xuất hiện mức lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng theo đó mà tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 12, điều nảy sẽ ảnh hưởng gì tới lãi vay năm 2022?

Lãi suất huy động năm 2022 chịu nhiều tác động đan xen, nhưng có chiều hướng tăng nhẹ. Ảnh: TL.
Lãi suất huy động sẽ được điều chỉnh "mềm mỏng" hơn
Bước sang năm 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đây là tín hiệu cho thấy lãi suất ngân hàng sẽ hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực , chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng bước qua năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.
"Lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước hiện nay là 4%, và mức này không nên giảm nữa nếu không muốn đánh tín hiệu lãi suất tiền gửi giảm, ảnh hưởng tới tiền gởi trong dân cư. Thực tế năm 2021, người dân đã gửi tiền ngân hàng ít đi và chuyển một phần lớn sang đầu tư chứng khoán, bất động sản. Còn lãi suất cho vay hiện nay ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và cũng không phải là điểm nghẽn bởi vì tín dụng vẫn tăng", ông Lực cho hay.
Nêu quan điểm, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết với định hướng lạm phát như hiện nay, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu đang tăng, hệ số xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện chiếm đến 200% GDP, áp lực lạm phát nhập khẩu khá cao. Việc duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng là áp lực lớn với ngành ngân hàng.
"Hầu hết Ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Cụ thể, Fed cho biết có khả năng thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng 3 lần trong năm 2022. Fed đã xác thực lạm phát là hiện hữu thay vì quan điểm cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời như trước đây", ông Quang nhìn nhận.
Báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định mặt bằng lãi suất năm 2022 nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
BVSC cho rằng, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.
"Theo biểu lãi suất mới nhất tháng 1/2022 tại một số ngân hàng cho thấy, lãi suất nhiều kỳ hạn đã tăng nhẹ từ 0,1-0,3%/năm so với hồi đầu tháng trước. Đáng chú ý, có ngân hàng đã "chào" lãi suất tiền gửi lên hơn 10%/năm", BVSC thông tin.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc ồ ạt mở tài khoản chứng khoán cho thấy sự quan tâm "nóng" của các nhà đầu tư trong nước và dự báo chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.
"Bên cạnh động lực từ chính sách tiền tệ linh hoạt và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giúp giúp thị trường chứng khoán tích cực, thì việc lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì ở vùng thấp cũng khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển sang các loại hình đầu tư khác, trong đó có chứng khoán," ông Hiếu nhận định.
Lãi suất cho vay còn dư địa giảm?

Dự báo lãi suất năm 2022 tiếp tục được giữ ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.
Dự báo lãi suất cho vay năm 2022, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, lãi suất không thể tăng trong thời gian tới, ngay cả khi lạm phát có xuất hiện đi nữa thì cũng phải giữ cho lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế. Trường hợp lạm phát không có hoặc thấp thì sẽ kéo lãi suất giảm xuống nữa.
Đồng quan điểm, TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất vay sẽ được cố giữ ở mức hiện tại hoặc có thể điều chỉnh giảm đôi chút vì nền kinh tế vẫn đang cần được hỗ trợ.
“Về dài hạn, khi lãi suất cho vay có thể bắt đầu tăng lên sẽ là là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế, chứ ngân hàng mà thanh khoản dồi dào, dư thừa tiền trong năm 2022 nữa thì chứng tỏ doanh nghiệp “chết” rồi nên không thể vay nữa, hoặc ngân hàng thấy kinh tế quá rủi ro không dám cho vay. Khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn sẽ tăng lên từ từ, room tín dụng từ 12% đổ lại thì lãi suất sẽ không quá căng thẳng. Còn nếu nhu cầu vốn tăng quá mạnh không chừng lãi vay lại bị kéo lên. Nhưng đó cũng sẽ là tín hiệu kinh tế phục hồi”, ông Hồ Quốc Tuấn cho hay.
Tại nhiều cuộc họp gần đây, ngành ngân hàng nhận định, sẽ phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, ông TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng thừa nhận rằng, trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 3 đợt điều chỉnh giảm lãi suất, do đó đến nay dư địa cho việc tiếp tục giảm lãi suất thêm nữa sẽ là không nhiều.
Cụ thể, thời điểm quan trọng đáng chú ý trong năm 2022 có thể khoảng tháng 6/2022. Đây là mốc thời gian thực thi việc tái cơ cấu nợ, theo Thông tư 14. Theo đó, thời điểm này sẽ phát sinh các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Nợ xấu có thể sẽ gia tăng nếu khách hàng không trả được nợ và hệ quả của việc đó có thể có áp lực lớn cho ngành ngân hàng.
Theo đó, việc duy trì chính sách hoãn, giãn nợ vẫn cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình của dịch bệnh trong thời gian tới để có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân nhắc điều chỉnh lại các mốc thời gian mà các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung.
"Trong năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, kịp thời với các biến động của kinh tế vĩ mô và thị trường", ông Hùng nhấn mạnh.