Chớp thời cơ, nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' về đích ấn tượng
(DNTO) - Dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt, khiến hàng loạt doanh nghiệp ngậm ngùi chịu cảnh "khai tử", tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những ngành hàng, doanh nghiệp "đạp sóng dữ", chờ đợi thời điểm vàng để ghi tên mình vào những kỷ lục lợi nhuận đáng nể.
Bất chấp các biến chủng Covid, nhiều doanh nghiệp báo lãi đậm
Năm 2021 dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải là một năm thất vọng, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, đóng góp vào bức tranh ấy là sự nỗ lực "vượt lằn ranh sinh tử" của nhiều doanh nghiệp.
Điển hình như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã đảo chiều ngoạn mục với khoản lãi sau thuế gần 409 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, khả quan hơn rất nhiều so với số lỗ 139 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này giảm mạnh từ mức hơn 909 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 502 tỷ đồng.
Những chuyến tàu “thuận buồm xuôi gió” cũng mang về cho Công ty CP Vận tải xếp dỡ Hải An 284 tỷ đồng lãi ròng trong 9 tháng năm 2021, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước và vượt 80% kế hoạch cả năm. Dự báo, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2021 khi hoạt động sản xuất trở lại sau các đợt giãn cách xã hội do Covid thúc đẩy nhu cầu vận tải.
Ở lĩnh vực dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cho biết, trong năm 2021, hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn được duy trì hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Sợi có mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận. Nhờ đó, toàn Tập đoàn đã đạt được những kết quả kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng với doanh thu và thu nhập hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%; Hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám Đốc Tập đoàn DIC (DIG) cho biết, đến thời điểm này, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, đạt 83,1% kế hoạch đề ra.
Công ty CP phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (HDC) báo cáo doanh thu hợp nhất quý 3/2021 đạt trên 281 tỉ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng gần 68 tỉ đồng, tăng hơn 124% so với quý 3/2020. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu gần 920 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 210 tỉ đồng, lần lượt tăng 66,5% và 90,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thành tựu đáng khích lệ trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đất nước "đóng băng" do dịch Covid-19.
Đi qua quý III đầy khắc nghiệt, như chiếc lò xo bị nén, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Cao su Đà Nẵng bật lên mạnh mẽ trong quý IV. Trước đó, ảnh hưởng của đại dịch cùng việc chi phí vận tải tăng thêm hàng chục tỷ đồng đã kéo lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng giảm hơn 45% trong quý III. Đẩy mạnh sản xuất, gia tăng tồn kho gấp 3-4 lần mức thông thường, doanh nghiệp ngành săm lốp này đã đón được cơ hội khi nguồn cung của thị trường thiếu hụt do các nhà sản xuất khác giảm sản lượng.
"Doanh thu cả năm 2021 của Cao su Đà Nẵng ước đạt trên 4.500 tỷ đồng, vượt hơn 13% so với kế hoạch đề ra và tăng khoảng 20% so với năm 2020. Lợi nhuận cả năm 2021 dự kiến đạt 350 tỷ đồng, cũng vượt xa mốc 300 tỷ đồng đề ra tại Đại hội thường niên và tăng 9,2% so với cùng kỳ", Tổng giám đốc Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết.
Trong lĩnh vực sản xuất, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã khiến cho giá cả của hàng loạt nguyên liệu tăng chóng mặt. Nhờ tích trữ nguyên vật liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ làn sóng tăng giá này. Điển hình như trong ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát dự kiến sản lượng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm trong năm 2021 sẽ vượt 1 triệu tấn, gấp đôi năm 2020.
Hóa chất cũng là ngành có kết quả kinh doanh tăng vọt trong năm 2021 nhờ giá bán tăng cao. Tại cuộc họp cổ đông bất thường vừa tổ chức đầu tháng 12/2021, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang cho biết, năm nay công ty dự kiến sẽ đạt mức lãi ròng kỷ lục lên tới 2.400 tỷ đồng, gấp 2,5 năm lần kết quả đạt được trong năm 2020.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán cùng làn sóng gia nhập thị trường của các nhà đầu tư mới đã mang về mức tăng trưởng tính bằng lần cho hàng loạt công ty chứng khoán. Nhiều công ty chứng khoán còn điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra ban đầu.
Lãnh đạo Chứng khoán BIDV (BSI) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 khoảng 430 tỷ đồng, vượt 139% kế hoạch năm và gấp 2,7 lần năm trước. 9 tháng, doanh nghiệp chứng khoán lãi trước thuế 345 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng quý IV lợi nhuận ước đạt 85 tỷ đồng, tăng 78% so với quý IV/2020.
Cập nhật mới nhất, bà Vũ Lam Hương, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, con số lợi nhuận năm 2020 và 2019 lần lượt chỉ là 862 tỷ đồng và 479 tỷ đồng. Hay như Chứng khoán SmartInvest thậm chí còn nâng chỉ tiêu lãi trước thuế lên 200 tỷ đồng, gấp 42 lần so với chỉ tiêu đề ra trước đó là 4,8 tỷ đồng...
Không những vậy, Theo Tổng cục Thống kê, dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, chỉ có 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đơn cử, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), vừa công bố, với đơn hàng hơn 4.000 tấn gạo vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới. Doanh thu và lợi nhuận của các đơn hàng này sẽ hoạch toán vào quý I/2022, hứa hẹn kết quả kinh doanh năm sau có thể tốt hơn cả năm nay.
Triển vọng của các doanh nghiệp ra sao trong năm 2022?
Dự báo về triển vọng năm 2022, giới phân tích nhận định môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Độ phủ rộng rãi của vaccine cùng với sự gia tăng mức độ thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.
Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng vẫn sẽ có sự phân hóa. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, có chiến lược phù hợp với tình hình mới sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Chứng khoán DNSE, đánh giá các ngành tiếp tục có sự phân hóa, trong đó, các ngành dịch vụ tài chính, bất động sản, ngân hàng, phần mềm và dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2022. Trong khi đó, các ngành nguyên vật liệu, dầu khí, bảo hiểm và tiện ích sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với năm 2021. Các ngành gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 như vận tải, xây dựng cơ bản, may mặc và trang sức, thực phẩm và đồ uống, ô tô và phụ tùng dự báo sẽ phục hồi khi nền kinh tế khởi động lại hoàn toàn.
Về phần mình, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích của VNDiect, nhìn nhận, hoạt động xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. Theo WTO, khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng truỏng 4,7% vào năm 2022, cao hơn so với mức dự báo 4% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Các FTA như CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2022 cùng với mức thuế suất tiếp tục được cắt giảm theo EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, bà Hiền dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 12,5% vào năm 2022 và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế.
Nêu quan điểm, CEO PNJ, ông Lê Trí Thông, nhận định, bức tranh chung của năm 2022 sáng hơn năm 2021 nhưng “mây đen” không hoàn toàn biến mất. Ban lãnh đạo công ty nhìn về năm 2022 với nhiều kịch bản khác nhau, liệu “hàng rào” vaccine đó có bảo vệ được con người trước biến thể mới hay không. Câu chuyện thứ 2 liên quan tới rủi ro về lãi suất, dòng tiền. Tết năm nay sẽ không được như mọi năm, nhưng quý III và IV/2022 trở đi và hướng tới năm 2023, sức mua sẽ hồi phục rất cao.
CEO PNJ mong muốn có những gói kích thích đưa thẳng vào sức mua của người dân. Điều thứ hai là để tăng trưởng GDP sẽ bắt buộc phải tăng đầu tư công để hạ tầng tốt cho đất nước phát triển không chỉ ngay lập tức mà còn nhiều năm về sau. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, thuế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp cũng nên có một sự sàng lọc tự nhiên, không nên hỗ trợ lãi suất một cách ồ ạt, sẽ đi thẳng vào lạm phát ngay lập tức. Việt Nam nên duy trì lãi suất thấp công với việc hỗ trợ ưu đãi với các doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Gần đây nhất, ngày 01/01, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP - đi vào thực thi, đã giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam.
Cũng theo ông Phong, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, cần tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để tăng sức chống chịu và phục hồi nhanh hơn. Đó là một gói hỗ trợ đủ lớn để tái thiết và phục hồi chứ không chỉ là những gói hỗ trợ nặng về an sinh xã hội, gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp “đứng vững tạm thời” mà cần phải có những bước tiến dài hơi hơn.
"Qua dịp này, cần tranh thủ cơ cấu lại nền kinh tế với các mục tiêu đúng hướng và được đẩy nhanh, mạnh. Tích cực truyền thông để nâng cao vị thế của Việt Nam đối với nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát triển kinh tế đối ngoại, vừa đa phương vừa linh hoạt theo hướng khai thác tốt các cơ hội, vượt qua các thách thức để phát triển và hòa nhập", ông Phong cho hay.