TS. Lê Xuân Nghĩa: Gói hỗ trợ đừng như 'muối bỏ biển'
(DNTO) - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không nên kéo ngân hàng thương mại vào bất kỳ gói kích thích nào, Chính phủ cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển, và đặc biệt "tốc độ phải quan trọng hơn quy mô" để nhanh chóng thẩm thấu doanh nghiệp thời điểm này.
Không nên kéo ngân hàng thương mại vào bất kỳ gói kích thích nào
Phát biểu tại Tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế", sáng nay 30/11, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. Các nước coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc, vì thế họ phục hồi rất nhanh theo hình chữ V, chứ không phải chữ U như Việt Nam.
TS. Nghĩa thẳng thắn cho rằng, Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh, hầu hết mới là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP nên vẫn không thấm vào đâu.
"Chính sách tài khóa 2021 và thậm chí cả giai đoạn tới đây năm 2022 cũng không có mục nào là tài chính dành cho Covid -19 cả, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước. Đây chính là "lỗ hổng" đáng quan ngại. Vì vậy, cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành trong tình trạng khẩn cấp, khiến chính sách của chúng ta lúng túng thực sự", ông Nghĩa nói.
"Về dự kiến gói kích cầu lãi suất thời gian tới, ông Nghĩa băn khoăn, hàm ý có lẽ không có gói hỗ trợ trực tiếp nào mà vẫn chỉ là hỗ trợ lãi suất gián tiếp, tôi chưa biết "hình dáng" gói hỗ trợ này ra sao nhưng ở đây có 2 vấn đề cần phải xem xét: Đó là các nước gần như không dùng gói này, vì họ quan niệm kéo hệ thống ngân hàng thương mại vào bất kỳ gói kích thích nào đều vô cùng nguy hiểm, đẩy hệ thống ngân hàng khó khăn, đẩy bảng cân đối tài sản của họ vô cùng xấu", ông Nghĩa bày tỏ.
Cũng theo ông Nghĩa, ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất trong tất cả các doanh nghiệp, vì kinh doanh bằng vốn của người khác, bằng niềm tin của dân chúng, nên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng tái cấu trúc hay thảm hoạ, người ta không kéo ngân hàng vào cuộc. Trong khi "chúng ta lại vừa co kéo, vừa vận động đề nghị giảm lãi suất, sắp tới lại đưa ra gói nữa cách thức tiến hành giống như năm 2019 đã triển khai thì tôi nghĩ không nên. Nhất là khi thời gian còn rất ngắn, áp dụng biện pháp này càng khiến không gian hạn hẹp hơn", ông Nghĩa nói thêm.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nghĩa cho hay, năm 2019 chúng ta đưa ra mức độ tài trợ 2-3% lãi suất, với tổng số tiền khoảng 18 nghìn tỷ đồng, làm tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng rất cao, trên 30%, khiến lạm phát nhảy vọt 18,2% năm 2011, đến năm 2012 mới xuống 9%, đó là cách làm không đạt hiệu quả như mong muốn. Nên ông Nghĩa cho rằng, đã làm gói này làm phải kiên quyết đạt được những nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc, các ngân hàng thương mại cứ cho vay bình thường, tất cả các doanh nghiệp nộp hồ sơ vay phê duyệt theo đúng chuẩn mực của ngân hàng hiện nay, sau đó, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ tiền tài trợ ngay trong lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng, làm cho hệ thống ngân hàng lãi suất méo mó, khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ, đó là điều tối kị, chưa kể khiến việc hạch toán ngân hàng vô cùng phức tạp.
Thứ hai, phải luôn song hành với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá (bơm tiền nếu quá lớn sẽ khiến lạm phát và tỷ giá tăng).
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán mức độ nợ xấu có thể chấp nhận được khi thực hiện gói cấp bù này, không để ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Gói hỗ trợ đừng như "muối bỏ biển", "tốc độ quan trọng hơn quy mô"
Ông Nghĩa bày tỏ sự lo ngại về việc ngừng các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và bắt đầu hạch toán con số từ đầu sau dịch sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho hệ thống ngân hàng.
Theo ông, không chỉ nên dựa vào việc tài trợ qua ngân hàng, các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động.
Chẳng hạn, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng 5.800 tỷ USD trên mức GDP của Mỹ khoảng 20.000 tỷ USD, tức khoảng 27% GDP.
Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh hơn khi tài trợ thẳng 3.400 tỷ USD trên 5.000 tỷ USD GDP, chiếm trên 60% GDP. Mục tiêu số 1 của họ là doanh nghiệp phải giữ lại lao động bằng mọi giá, làm việc luân chuyển hay thậm chí nghỉ việc vẫn được hưởng lương...
Đặt giả thiết Việt Nam cũng rót vào nền kinh tế khoảng 27% GDP là khoảng 100 tỷ USD. Với khối lượng tiền khổng lồ như vậy, ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp và người lao động sẽ phục hồi rất nhanh.
"Muốn phục hồi nhanh thì phải có sức bật, nền kinh tế phải được tiếp sức ngay trong thời gian dịch bệnh... Giả sử nền kinh tế mở cửa nhưng không có nguồn vốn, không có lao động làm nền tảng thì rất khó bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Nghĩa nói.
Với một khối lượng tiền khổng lồ như vậy, tất nhiên nguy cơ lạm phát là rất lớn. Nhưng theo ông Nghĩa, Việt Nam mới chỉ chi ra khoảng 30.000 tỷ đồng, khoảng 0,38% GDP. Như vậy rất khó để tạo đủ động lực cho phục hồi.
Nhìn từ các nước, ông Nghĩa cho biết trong điều kiện khẩn cấp, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng trung ương, để lấy tiền hỗ trợ nền kinh tế. Khi xuất hiện nguy cơ lạm phát, ngân hàng trung ương sẽ bán trái phiếu ra để thu tiền về.
"Bộ Tài chính cần kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng trung ương. Ước tính chỉ với khoảng 5 -7 tỷ USD là có thể vực dậy rất nhanh toàn bộ lực lượng lao động hiện nay. Phải tin tưởng doanh nghiệp và lấy họ là nền tảng để phục hồi, ngay cả phục hồi lao động cũng phải từ doanh nghiệp...", ông Nghĩa nhận định.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, Việt Nam không cần phát hành trái phiếu, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ cũng có thể cung cấp nguồn lực rất lớn.
"Chính phủ cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển, và đặc biệt "tốc độ phải quan trọng hơn quy mô", biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này", ông Nghĩa nhấn mạnh.