TS. Võ Trí Thành: Vượt nguy, tận cơ, hành động quyết liệt để phục hồi kinh tế
(DNTO) - Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững, có rất nhiều giải pháp, nhưng cần phải chú trọng vào các bước: Vượt nguy, tận cơ – Tư duy lại, thiết kế lại – Hành động quyết liệt, tốc độ.
Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam - Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững, diễn ra sáng nay, 5/11, đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, TS. Võ Trí Thành bày tỏ: Đây là cuộc khủng hoảng kép chưa từng có, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống loài người. Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, doanh nghiệp kiệt quệ… Câu chuyện phục hồi sẽ thể hiện rõ trong 2 năm tới, tuy nhiên, việc phục hồi được nhận định sẽ vô cùng trắc trở và không đồng đều.
Theo ông Thành, trong bối cảnh đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 năm liên tiếp có mức tăng trưởng là 2,5%, mức thấp nhất trong 35 năm đổi mới của Việt Nam.
Đánh giá về phản ứng chính sách của Việt Nam thời gian qua, TS. Võ Trí Thành cho biết: 2 năm qua chúng ta phản ứng sớm với dịch, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, người dân cơ bản ủng hộ Chính phủ.
Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 lại bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng kết lại đợt dịch này, ông Thành chỉ ra 3 điểm cơ bản: “Thứ nhất, việc khống chế dịch, giãn cách xã hội quá ngặt nghèo. Thứ nữa, việc ngặt nghèo đó kéo quá dài ở các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh…, gây tắc nghẽn, đứt gãy sản xuất, cung ứng. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế, mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh giá trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn có những bước đi hiệu quả, tích cực, đó là tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam rất nhanh. Thứ nữa, Nghị quyết 128 của Chính phủ dù chưa hoàn hảo, nhưng là chuyển hướng mạnh mẽ của Việt Nam là sống chung với dịch. Có thể nói đây là bước ngoặt, bước chuyển hướng chống dịch phù hợp.
Phân tích về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh và định hướng chương trình phục hồi trong thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho biết: Thời gian qua, các chính sách về an sinh xã hội, tiền tệ, giãn khoanh nợ, chính sách tài khóa, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp…, triển khai rất kịp thời. Những chính sách này tiếp tục kéo dài trong năm 2021, kéo sang 2022 và bổ sung sang các lĩnh vực khác như hàng không, ôtô...
Tuy nhiên theo ông Thành, quy mô của các chính sách này còn quá nhỏ so với trung bình của thế giới. Ông cho rằng các chính sách phải có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, đặc biệt, nguồn lực phải dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa…
Nêu đề xuất đối với chương trình phục hồi, TS. Võ Trí Thành cho biết: Hiện Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với gói hỗ trợ lớn, điều đó thể hiện tính quyết liệt hơn. Chương trình này có 3 ý nghĩa là giúp người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt khó, bắt nhịp phục hồi kinh tế, đồng thời góp phần đặt nền móng, tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển trong 5 năm và dài hạn hơn.
Ngoài ra, ông Thành nhấn mạnh, có rất nhiều giải pháp dễ thực hiện với chương trình phục hồi. Đó là giảm thuế VAT trên bình diện nào đó. Hoặc hỗ trợ lãi suất cho các khoản tín dụng, minh bạch cho các ngân hàng thương mại, quy mô phải đủ lớn… Nguồn lực cho chương trình phục hồi có thể vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế với điều kiện vay thuận lợi. Ngoài ra, có 2 nguồn lực khác là tiết kiệm, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp...
“Tiền là khó, nhưng không phải khó nhất. Khó nhất là đầu tư vào đâu cho hiệu quả, đúng chỗ, đúng thời điểm. Bước đi tiếp theo cho chương trình phục hồi là phải đi sâu vào những cái đã có, cái đang làm và những việc còn chậm trễ để đổi mới. Và cái mới này là khung pháp lý cho nguồn lực. Tóm lại, để phục hồi hiệu quả, tôi cho rằng chúng ta phải vượt nguy, tận cơ – tư duy lại, thiết kế lại – hành động quyết liệt, tốc độ. Nếu không, chương trình phục hồi sẽ không nhìn được xa chứ đừng nói đến cải cách”, ông Thành nêu rõ.