VNDIRECT lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022
(DNTO) - Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa phát hành, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.
Dự báo tăng trưởng quý 4/2021 phục hồi về mức 4,0% so với cùng kỳ
Trong "Báo cáo cập nhật vĩ mô - Mở cửa đón bình thường mới" mà VNDIRECT vừa phát hành, tại kịch bản cơ sở, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2021 của Việt Nam xuống 4,0% từ mức dự báo trước đó là 5,5%.
Dự báo của VNDIRECT dựa trên các giả định chính sau: Thứ nhất, VNDIRECT kỳ vọng làn sóng dịch bệnh hiện tại sẽ được kiểm soát và các ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục giảm.
Thứ hai, Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai tiêm vaccine cho đến cuối năm 2021. Theo kịch bản cơ bản, khoảng 50-60% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021.
Thứ ba, các chuyến bay nội địa và các tour du lịch trong nước có thể được nối lại kể từ cuối tháng 10/2021. Hà Nội và TP.HCM tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở lại các nhà hàng, quán ăn tại chỗ, khu vui chơi giải trí kể từ giữa quý 4/2021.
Cuối cùng, việc giải ngân vốn đầu tư công có thể hoàn thành trên 85% kế hoạch của Chính phủ.
Trong dự báo mới của mình, VNDIRECT kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ tăng trở lại 3,0% so với cùng kỳ trong quý 4/2021 (so với mức giảm 9,3% so với cùng kỳ trong quý 3/2021), nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, doanh số bán lẻ và việc mở cửa trở lại của các dịch vụ không thiết yếu.
Đối với ngành công nghiệp và xây dựng, VNDIRECT kỳ vọng ngành này sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý 4/2021 (từ mức giảm 5,0% so với cùng kỳ trong quý 3/2021), chủ yếu được hỗ trợ bởi sự đẩy mạnh của đầu tư công và sự phục hồi của hoạt động sản xuất sau khi các nhà máy và khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam được phép mở cửa và hoạt động trở lại.
Cuối cùng, VNDIRECT kỳ vọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ trong quý 4/2021 (so với mức tăng trưởng 1,0% trong quý 3/2021). Do đó, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2021 ở mức 4,0% so với cùng kỳ, cải thiện từ mức suy giảm 6,2% so với cùng kỳ trong quý 3/2021.
Cho cả năm 2021, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 2,2% từ mức dự báo trước đó là 3,9%.
Còn nhiều điểm nghẽn cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong quý 4/2021
VNDIRECT nhận thấy vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong quý 4/2021. Theo đó, điểm nghẽn đầu tiên là tỷ lệ người dân tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine vẫn còn thấp, dẫn tới lộ trình mở cửa nhiều hoạt động kinh tế diễn ra chậm như hàng không, du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống tại chỗ, nghệ thuật, qua đó ảnh hưởng lớn tới tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các tỉnh thành phố trên cả nước, đặc biệt tại các vùng nông thôn tỷ lệ tiêm chủng vẫn rất thấp, dẫn tới nguy cơ bùng dịch trở lại tương đối cao, làm ảnh hưởng lớn tới lộ trình mở cửa trở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.
Một yếu tố nữa là do làn sóng dịch Covid-19 kéo dài, dẫn tới thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động bị giảm sút, ảnh hưởng lớn tới cầu tiêu dùng trong quý 4/2021, mùa tiêu dùng quan trọng nhất trong năm.
Cũng theo phân tích của nhóm nghiên cứu của VNDIRECT, các biện pháp phòng chống dịch thiếu nhất quán, thay đổi liên tục và khó dự báo trước cũng là một điểm nghẽn cản trở đà phục hồi kinh tế. Ví dụ tiêu biểu là mỗi tỉnh lại có những quy định khác nhau về hoạt động vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, điều này đã gây khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương và làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, sự khó dự báo trong các biện pháp, chính sách phòng chống dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp không thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch mở cửa và khôi phục hoạt động sản xuất, làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Đặc biệt, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ ghi nhận việc thiếu hụt lao động sản xuất sau khi nhiều công nhân bỏ về quê do lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài. Việc thiếu hụt lao động khiến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022
VNDIRECT dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.
Dự báo của nhóm nghiên cứu dựa trên các giả định chính sau: Kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ trong năm 2022. Do đó, nhóm nghiên cứu kỳ vọng nhu cầu duy trì ở mức cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Thứ nữa, 70-75% dân số Việt Nam sẽ được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid trong nửa đầu năm 2022. VNDIRECT kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn thành công và đẩy lùi đại dịch.
Các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ quý 1/2022, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch vào năm 2022, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi trong ngành dịch vụ của Việt Nam, cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
VNDIRECT kỳ vọng Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2/2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. VNDIRECT cũng kỳ vọng lượng vốn đầu tư công sẽ tăng lên vào năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư khu vực tư nhân cũng như vốn FDI cũng có thể phục hồi mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.
Về tăng trưởng của từng ngành, VNDIRECT kỳ vọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8% so với cùng kỳ, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,6% so với cùng kỳ và khu vực dịch vụ tăng 8,1% so với cùng kỳ vào năm 2022.