Lợi nhuận ngân hàng có được 'vẽ' tiếp bằng gam màu 'sáng' trong năm 2022?
(DNTO) - Mặc dù phải đối mặt nhiều áp lực, đặc biệt là nợ xấu, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được nhận định phục hồi và khởi sắc rõ rệt trong quý 4/2021- nâng kỳ vọng sẽ tiếp đà cho cho các nhà băng lạc quan với triển vọng kinh doanh trong năm 2022.
95% ngân hàng lạc quan về lợi nhuận
Trong báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022 mới phát hành, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2022 sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu.
Có tới 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và chỉ có 2% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận giảm.
Cùng với đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý 1/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Nhu cầu tín dụng, đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp khá mạnh trong quý 4/2021, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
“Chúng tôi ước tính tổng tín dụng tăng ròng khoảng 450 nghìn tỷ đồng riêng trong quý 4/2021 và dự báo đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong 2022. Nhu cầu vay cũng lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế”, SSI nhận định.
Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại TPB và VPB tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021. BID, VCB, MBB, VPB, OCB, LPB, SHB, MSB và HDB cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022.
“Do đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn”, báo cáo của SSI nêu rõ.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng nhà nước sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%).
Do lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng dưới 4% và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,4% -5,0%, kỳ vọng ước tính lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20-25 điểm cơ bản trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng Cấp 3 vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn nhiều.
Kỳ vọng nào cho tăng trưởng?
Theo các tổ chức tín dụng, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn là nhân tố quan trọng nhất, tạo đà "thúc" lợi nhuận.
Các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng bứt phá kể từ quý 4/2021 cho tới các quý của năm 2022.
"Cơ cấu tiền gửi của một số ngân hàng sẽ thay đổi bền vững. Trong lúc đó, khi lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức thấp và nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự kiến tiếp tục xu hướng tăng. CASA tăng sẽ cải thiện biên NIM (biên độ lãi ròng) giúp giảm chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn...", Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng tỏ ra lạc quan khi duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài động lực tăng trưởng tín dụng mạnh hơn do cầu tín dụng lớn hậu đại dịch, theo dự báo của MBKE, năm 2022 thu nhập từ phí của ngân hàng tăng mạnh 30%-40%, trong khi NIM duy trì được ổn định. Các ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% trong năm 2022, trong đó, 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ khi việc trích lập dự phòng có thể giảm bớt nhờ môi trường hoạt động được cải thiện.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông OCB chia sẻ, năm 2022, dù biến chủng mới Omicron vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng các quốc gia vẫn không phong tỏa. Điều này cho thấy các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội trong năm mới. Trong khi đó, năm 2022, Chính phủ có kế hoạch tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, kích thích cho khu vực kinh tế tư nhân, sức mua sẽ tăng trở lại là bệ phóng cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng phát triển.
Bên cạnh đó, năm 2022, mảng dịch vụ thu phí và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đang tiếp xúc với 3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng để bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính FCCOM trong tháng 11/2021. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.'
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã được phê duyệt nới room tín dụng, như VIB là trên 19%... Đây là cơ hội để các ngân hàng này nâng cao tăng trưởng tín dụng và tín dụng tăng sẽ kéo nguồn thu ngoài lãi tăng theo, qua đó phần nào bù đắp cho việc phải tăng trích lập dự phòng.