Siết dòng vốn đi đúng địa chỉ sẽ giúp khoản 'bơm tiền' của ngân hàng hiệu quả hơn
(DNTO) - Thực trạng mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng xem việc cho vay bất động sản là “miếng bánh” ngon nên rất mạnh tay khi bơm vốn, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư lấy dự án bất động sản làm tài sản thế chấp vay ngân hàng, trong khi khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng rất khó khăn.
Ngân hàng siết vốn vay, doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán 'bị' đứng ngoài
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua, thậm chí có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, thế nhưng tình trạng "sốt" bất động sản, tăng giá diễn ra trên diện rộng. Cùng với việc nhiều nhà đầu tư “sáng mua, trưa bán” khiến giá đất đã nóng lại càng thêm nóng. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại đất sốt ảo nhưng đang ảnh hưởng tiêu cực tới các giao dịch thật.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2022, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2022 sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng tiền, tỉ giá. Hệ thống ngân hàng sẽ hướng dòng vốn tín dụng năm 2022 vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng “đen”.
“Đối với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của ngân hàng nhà nước là phải kiểm soát chặt, sẽ chỉ tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự chính đáng. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao, gây bong bóng thì phải kiểm soát chặt chẽ", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Hiện, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm; điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.
Cụ thể, các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Đồng thời, các ngân hàng cũng dự báo, nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân; tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn. Nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng sau khi tăng thấp nhất trong năm 2021 sẽ hồi phục và tăng cao vào năm 2022. Các ngân hàng tiếp tục ưu tiên dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng…
Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng: “Nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vào bất động sản và chứng khoán thì nguy cơ chao đảo hệ thống tín dụng và lạm phát phi mã hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ấy, người lao động trực tiếp làm công ăn lương chịu thiệt nhiều nhất và không biết chống đỡ bằng cách nào”.
Hướng dòng vốn đúng địa chỉ giúp khoản "bơm tiền" của ngân hàng hiệu quả hơn
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, dự kiến quý I/2022, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tiếp tục bỏ xa tăng trưởng huy động vốn. Đáng chú ý, các Tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng “giảm nhẹ” trở lại ở quý I/2022. Theo đó, trong năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Nhiều chuyên gia cùng đưa ra quan điểm rằng, việc dẫn vốn phải "trúng" vào khu vực cấp bách, cần thiết và có khả năng hấp thụ được vốn. Do đó, xây dựng chương trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực phải công khai minh bạch, tránh thất thoát, với 3 điểm mấu chốt đó là: Năng lực thực thi, kịp thời và đúng đối tượng.
Về vấn đề này, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, tất nhiên không phải toàn bộ công nhân đã quay lại nhà máy và vẫn còn những hạn chế trên thị trường lao động nhưng có thể thấy khả năng khôi phục ấn tượng. Các lĩnh vực như xuất khẩu và sản xuất đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại Việt Nam, thậm chí còn hơn cả năm 2020.
“Có thể nói, phía cung có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên vấn đề nằm ở phía cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khi GDP giảm tới 6% trong quý 3/2021, nhiều người dân mất việc làm, bị giảm thu nhập và đã cạn sạch tiền tiết kiệm, họ không thể tiêu dùng hay mua sắm hàng hóa. Bên cạnh đó, giờ đây họ cũng lo lắng hơn về tương lai, kết quả là họ sẽ giữ tiền và chờ đợi. Đó là lý do vì sao phía cầu không đạt được mức như cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, cần triển khai các biện pháp kích cầu và Chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, ví dụ ban hành các gói tài khóa mạnh mẽ hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Tin tốt là việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, cụ thể tỉ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy vẫn còn dư địa để vay vốn”, vị chuyên gia phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, khi nói về chính sách tài khóa, là nói đến việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng.
Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này, trong năm 2020 đã bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân, tuy nhiên, việc thực hiện còn khá "rụt rè" trong năm 2020 và rụt rè hơn nữa trong năm 2021. Trong khi đó, Chính phủ vẫn còn tiền và chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả. Nhưng cũng không nên sử dụng công cụ này mãi, hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước đại dịch.
"Trong năm 2022, việc siết chặt dòng vốn đi đúng địa chỉ sẽ giúp khoản bơm tiền dù còn “rụt rè” này sẽ hiệu quả hơn", chuyên gia WB nhận định.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy mô, năng lực và tài chính hiện có. Về phía ngân hàng cũng cần cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp có khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định để xem xét áp dụng lãi suất cho vay phù hợp, giảm lãi suất các khoản vay cũ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.