Doanh nghiệp ngóng 'đòn bẩy' từ gói hỗ trợ thuế, vốn sớm được kích hoạt để không lỡ nhịp phục hồi
(DNTO) - Hiện nay, điều mong mỏi nhất với doanh nghiệp là dòng tiền để chuẩn bị kế hoạch sản xuất, song đã sang tháng 5 nhưng vẫn chưa doanh nghiệp nào được triển khai cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Cơ hội phục hồi sẽ bị lỗi nhịp nếu tiến độ thực hiện chính sách không được đẩy nhanh.
Sau thời gian dài khó khăn, nay có cơ hội hồi phục và phát triển, điều mong mỏi nhất đối với các doanh nghiệp là nguồn tiền để đổ vốn vào mua nguyên vật liệu cũng như tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm... Nếu được tiếp cận những ưu đãi về vốn vay sẽ là liều thuốc bổ để nhanh phục hồi.
Theo đó, ngay từ đầu năm, hàng loạt các gói hỗ trợ đã được đưa ra. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được triển khai, còn lại gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất như: giảm thuế, giảm lãi suất 2%, hỗ trợ công nhân, người lao động, đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính..., vẫn chưa có thông tư hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận.
Theo đại diện các doanh nghiệp, hiện nay nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, nhưng chi phí cho sản xuất giai đoạn này đang ở mức cao. Hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào liên tục tăng giá, giá dầu, gas lại tăng phi mã, lập đỉnh nhiều lần. Cước vận tải hàng hóa đường biển là một gánh nặng nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng ngay cả vậy, cũng khó để có thể đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. Đó là chưa kể tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, khó khăn do tác động bởi giao tranh ở châu Âu cũng đang từng ngày đội chi phí sản xuất lên.
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An), cho hay, từ khi nghe thông tin Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%, nếu được hỗ trợ theo quy định, mỗi tháng HTX sẽ giảm được hơn 100 triệu đồng tiền lãi, ông và nhiều đơn vị khác rất mừng, song đến nay vẫn chưa nghe "tăm hơi" gì.
“Nói chung, mọi thứ đối với người đi vay vẫn hết sức bị động và khó tiếp cận. Lâu nay cứ nghe gói này gói kia hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng thực tế, chúng tôi vẫn vay lãi suất 8,5%/năm. Muốn đổ toàn lực để phục hồi sau đại dịch cũng không dễ và rất mong được hỗ trợ từ Chính phủ càng sớm”, ông Trương Quang An cho hay.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, vốn rẻ chưa đến tay nhưng lãi suất huy động đã nhấp nhổm tăng từ cuối quý I/2022. Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố tăng lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,5%/năm. Một số ngân hàng cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn vì bị bồi thêm áp lực vì phí chồng phí.
Không những thế, hiện nay, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 là thời hạn giãn nợ đến 30/6/2022 đã cận kề. Nếu phải trả một lúc cả gốc lẫn lãi của 2 năm thì rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu.
"Do đó, khẩn thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ có phương án lùi việc trả nợ sang các năm sau. Ví dụ như gói vay 10 năm thì có thể cộng thêm 2 năm Covid-19 thành thời hạn 12 năm để trả cả gốc và lãi", đại diện các doanh nghiệp trần tình.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhấn mạnh, để việc hỗ trợ thật sự hiệu quả, đến tận tay các doanh nghiệp, mong rằng Ngân hàng Nhà nước phải giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng các nhà băng lại tùy tiện tăng lãi suất rồi mới tính cho doanh nghiệp được giảm 2%.
Ví dụ, năm 2021, các cơ sở được vay với lãi suất 9%/năm theo sự hỗ trợ của Nhà nước, năm nay khoản vay của họ được giảm lãi 2% xuống còn 7%/năm. Chứ không phải tình trạng ngân hàng tăng lãi suất cho vay lên 10% và các đơn vị sau khi được giảm 2% thì lãi suất vay mới là 8%/năm. Như vậy vô hình chung doanh nghiệp đã bị “chặn” bớt phần hỗ trợ lãi suất này.
Song, điều khiến các doanh nghiệp "đau đáu" nhất hiện nay, với quá nhiều điều kiện, quá trình xét duyệt lâu dài thì không biết bao giờ mới giải ngân được, trong khi đó, bất cập ở chỗ, theo dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất đang được lấy ý kiến, ngân hàng thương mại sẽ dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023.
Do đó, thay vì trông chờ gói hỗ trợ mà mất cơ hội kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có thể vẫn chấp nhận vay thương mại với các tiêu chuẩn như bình thường. Việc yêu cầu chặt chẽ quá có thể dẫn đến tốn kém nguồn lực, làm gia tăng chi phí thực hiện với các ngân hàng thương mại nên họ cũng không mặn mà. Như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không hăng hái thực thi, cuối cùng có thể mục tiêu giải ngân không đạt được, dù trong Tờ trình Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung này, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu một số thách thức của việc thực thi chính sách này.
Cụ thể, “Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách như cung cấp thông tin, hồ sơ không trung thực để thuộc đối tượng hưởng ưu đãi; tổ chức tín dụng có thể có tâm lý không muốn triển khai chương trình do một số hệ lụy từ triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây, dẫn tới khả năng hấp thụ và hiệu quả, kết quả chương trình có thể không như kỳ vọng”.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, các quy định về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện áp dụng tại các văn bản hướng dẫn thực thi cần hết sức rõ ràng, cụ thể. Yêu cầu về thẩm định hồ sơ và giám sát để đến đúng địa chỉ là cần thiết song không nên quá nhiều thủ tục.
"Bên cạnh đó, không đặt áp lực phải hoàn thành khối lượng giải ngân để tránh tình trạng quá tải mà dẫn đến những tiêu cực. Mặt khác, cần thực hiện việc đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn thực thi, nếu thấy hiệu quả không cao có thể chuyển nguồn lực này sang gói hỗ trợ tài khóa khác, chẳng hạn tiếp tục giảm sâu thêm thuế, phí cho doanh nghiệp thuộc những ngành nghề chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19", các chuyên gia kiến nghị.