‘Nhạc trưởng’ điều hành giá hàng hóa cần linh hoạt hơn
(DNTO) - Mặc dù việc giảm giá hàng hóa ngay sau khi giá xăng, dầu giảm là khó khả thi; nhưng nếu so sánh lại với thời điểm giá xăng dầu tăng thì rất đáng để bàn luận.
Khó giảm khi mặt bằng giá mới được thiết lập
Từ đầu năm cho đến kỳ điều chỉnh ngày 21/6, giá xăng bán lẻ trong nước liên tục tăng cao và thiết lập đỉnh mới ở mức 32.000 đồng/lít xăng Ron95, tăng 7.660 đồng/lít; xăng Ron92 tăng 7.692 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.740 đồng/lít.
Vào giai đoạn giá xăng tăng, giá các loại hàng hóa trên thị trường cũng đồng loạt tăng. Đây cũng là điều dễ hiểu vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Theo tính toán của chuyên gia, giá xăng dầu tác động 3,5%với nền kinh tế và 1,5% đối với đời sống người dân.
Tuy vậy, bước sang tháng 7, giá xăng dầu liên tục giảm trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp. Xăng Ron92 đã giảm hơn 6.200 đồng/lít và xăng Ron95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít, đưa giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu về mức bình quân khoảng 25.000-26.000 đồng/lít.
Thế nhưng, theo ghi nhận, giá hàng hóa trên thị trường, giá cước vận tải lưu thông vẫn “đứng im”, chưa hề có động thái giảm giá. Theo lý giải của các doanh nghiệp, tiểu thương và chuyên gia, thị trường xăng dầu trên thế giới hiện vẫn còn nhiều biến động khó lường. Giá xăng dầu giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây cũng vẫn chỉ mang tính thời điểm, chưa mang tính xu hướng, vì vậy doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục nghe ngóng thị trường.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá cho một mặt hàng cũng không đơn giản vì còn tính toán rất nhiều yếu tố cấu thành khác, ngoài giá xăng dầu, vì vậy sẽ có độ trễ so với thời gian điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần.
Các chuyên gia tính toán rằng, khi xăng dầu tăng 10% sẽ tạo áp lực tăng giá trực tiếp lên các loại hàng hóa khoảng 3-4%. Như vậy tốc độ tăng giá hàng hóa sẽ không cao hơn tốc độ tăng giá xăng dầu vì cơ cấu giá thành của hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí lao động, nguyên vật liệu…
Thế nhưng, thời gian qua, giá xăng dầu thời điểm đạt đỉnh tăng 27% so với đầu năm, nhưng giá các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm thịt cá có lúc tăng tới 30-40% hay giá rau củ quả tăng 100%.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, mức tăng giá hàng hóa như trên là bất thường so với mức bình thường và nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đang lợi dụng sự tăng giá của hàng hóa để “té nước theo mưa”.
Cần “bàn tay” can thiệp sâu hơn
Hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng đang cố gắng cắt giảm chi phí để giảm giá hàng hóa, nhưng nỗ lực này không thấm vào đâu khi 80% kênh phân phối hàng hóa tại Việt Nam vẫn là chợ truyền thống. Do đó, chi tiêu trong các gia đình Việt từ quả trứng, mớ rau… vẫn đến từ các chợ truyền thống. Và việc kiểm soát giá cả hàng hóa tại chợ truyền thống vẫn là bài toán nan giải vì tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn/kg thực phẩm nghĩa là đã tăng tới vài chục, cả trăm %.
Thực tế nhìn vào thị trường nhiều năm qua cho thấy, khi giá xăng dầu tăng, giá hàng hóa lũ lượt tăng theo. Nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa cũng rất khó giảm. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, khi giá hàng hóa tăng cao bất thường và tạo lập một mặt bằng giá mới, cao hơn nhiều so với đà tăng giá xăng dầu. Điều này cho thấy đã có hiện tượng "đục nước béo cò", "té nước theo mưa" của một bộ phận tiểu thương, những người kinh doanh, nhưng chưa thấy nhiều sự can thiệp của các cơ quan quản lý giá.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát giá, vì khi giá cả được kiểm soát tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý.
“Luật Giá năm 2013 đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân trong quản lý, điều tiết giá, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát giá với các loại hàng hóa, đặc biệt là các loại hàng hóa cần bình ổn giá như hàng hóa thiết yếu cho hoạt động đời sống như xăng dầu, vật tư nguyên liệu, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của sản xuất.
Rõ ràng, giá xăng dầu giảm liên tục trong quý đầu của tháng 3 có tác dụng rất lớn trong việc giảm áp lực về giá của các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm và cả năm 2022 này. Nỗ lực giảm giá xăng dầu của Chính phủ thời gian qua là rất ghi nhận. Tuy nhiên, giảm tác động từ những chi phí đẩy làm giảm áp lực lạm phát thì lại chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó cần thiết phải có sự kiểm soát về giá, và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.