Doanh nghiệp xuất khẩu Việt 'ngấm đòn' khi tỷ giá biến động mạnh
(DNTO) - Hiện những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày, thủy sản... đều đang “ngấm đòn” do ảnh hưởng từ việc tỷ giá đồng Euro tụt dốc. Lợi nhuận sụt giảm đã giáng thêm “đòn kép” vào khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh giá vật tư vẫn không ngừng leo thang.
Nhiều bất lợi đe dọa lợi nhuận
Những ngày gần đây, tỷ giá đồng Euro liên tục lao dốc và giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, gần như tương đương với đồng USD, đã ngay lập tức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có giao dịch với thị trường châu Âu.
“Chịu trận” là từ được các doanh nghiệp dùng khi nhận xét về việc xuất khẩu liên quan đến đồng USD giảm giá mạnh. Bởi lẽ, gần như tất cả các khách hàng tại EU đều thanh toán bằng đồng Euro và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua USD. Nay tỉ giá đồng Euro giảm gần bằng với USD sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo.
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường truyền thống như Nga, Belarus và các nước Trung Đông cho hay: “Các mặt hàng trọng tâm cho xuất khẩu của chúng tôi là hạt điều, gạo, hạt tiêu, thủ công mỹ nghệ. Việc hạ tỷ giá này bất lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu vì doanh nghiệp thu về tiền Euro và thu mua hàng nông sản trong nước để chế biến, xuất khẩu lại mua bằng VND".
Với các doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long, họ thường ký hợp đồng trước cả năm với các nước châu Âu. Chính bởi vậy, khi đồng Euro giảm so với đồng đô la Mỹ, tiền lãi thu được của họ ngay lập tức bị ảnh hưởng.
"Việc đồng Euro bị xuống giá so với đồng USD khoảng 10 - 12% ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp của chúng tôi. Giả sử như hợp đồng 100.000 Euro thì chuyển sang USD thành 112.000. Đến nay, nếu chúng tôi vẫn ký hợp đồng như thế, vì sang năm mới, thì khi ký hợp đồng 10.000 Euro chỉ chuyển đổi sang được 100.000 USD, tức là chúng tôi mất 12.000", ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long, chia sẻ.
Không những thế, bà Cao Thị Kim Lan, giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifishco), cho biết công ty buộc phải giảm giá một số mặt hàng để đảm bảo hoạt động của nhà máy. Với 60% doanh số từ thị trường EU nên mỗi biến động dù nhỏ tại thị trường này đều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty.
“Đã thế tâm lý e ngại đồng Euro sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới đã làm các nhà nhập khẩu không dám đàm phán các hợp đồng lớn và thời hạn giao hàng xa. Để bán được hàng chúng tôi đành chấp nhận giảm lợi nhuận thông qua giảm giá bán”, vị giám đốc này cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng, trong khi căng thẳng giữa Nga và Ukraina chưa giảm, thì việc đồng Euro mất giá giáng thêm “đòn kép” vào khả năng chống chịu của doanh nghiệp.
Cụ thể, nguồn nguyên liệu sản xuất (thức ăn chăn nuôi; thuốc trừ sâu, phân bón; gỗ…) có nguy cơ bị gián đoạn khiến doanh nghiệp có thể thiếu nguyên liệu sản xuất; giá nhập khẩu tăng cao; trong khi đó, ở chiều ngược lại, đồng Euro bị xuống giá còn khiến giá trị đồng tiền thu về bị sụt giảm giá trị...
Việc đồng Euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, người tiêu dùng theo đó sẽ giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó.
Mặt khác, nếu đồng Euro tiếp tục suy giảm, thì giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có thể đắt đỏ hơn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Theo các chuyên gia, nhận định trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường.
Hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh toán bằng Euro, còn lại chủ yếu thanh toán bằng đồng USD. Vì vậy, nếu sử dụng các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể vẫn đảm bảo được kế hoạch kinh doanh trong nửa cuối năm.
"Để phòng tránh những rủi ro khi tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dù thanh toán bằng ngoại tệ nào cũng nên có những biện pháp bảo hiểm rủi ro, có thể dự phòng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, hoặc thông qua nghiệp vụ thanh toán của các ngân hàng", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khuyến cáo.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng Euro là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu đã tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ.
Với những diễn biến quá nhanh nên bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội cũng chưa thể có ứng phó cụ thể. Quan trọng hơn, câu chuyện lúc này không còn là vấn đề của hiệp hội, doanh nghiệp mà ở tầm quốc gia, cần sự vào cuộc của nhà nước và cơ quan quản lý.
Điều quan trọng hiện nay không phải là tìm cách giảm tác động từ việc đồng Euro mất giá, mà thay vào đó, doanh nghiệp cần tìm giải pháp để bán được hàng qua EU, giữ vững thị phần hàng hóa của Việt Nam ở thị trường này, bởi hiện nay, cùng với Mỹ và Trung Quốc, EU là đối tác thương mại lớn của nước ta.
"Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương song song thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá…", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.