Chi phí logistics tiếp tục là thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu quý 3
(DNTO) - Mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng lạc quan, song sang nửa cuối năm, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định gặp khó khi áp lực lạm phát hiện hữu, khiến chi phí vận chuyển gia tăng trong khi nhu cầu yếu đi tại các thị trường xuất khẩu chính.
Doanh nghiệp lo xuất khẩu giảm tốc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới. Cùng với đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu "leo thang" theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển. Đây cũng là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Ông Vũ Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, ngành xây dựng đang đứng trước thách thức trăm bề, khi tất cả các chi phí đầu vào từ sắt, thép, ximăng, cát, xăng, dầu… và chi phí vận chuyển tăng “phi mã”, khiến giá thành các dự án bị đội lên 18%-30% và làm cho lợi nhuận của toàn ngành giảm sút rất mạnh.
“Mặc dù ngành xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao trong 6 tháng đầu năm nhưng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn đáp ứng cho các dự án FDI, còn lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như rơi vào cảnh chết lâm sàng”, ông Hiệp cho hay.
Cùng nhận định, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ, 6 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty rất tích cực. Khách hàng ở thị trường Mỹ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó, số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021; thậm chí, một số khách hàng có đơn đặt tăng hơn trước thời điểm dịch Covid-19; tăng trưởng xuất khẩu của công ty đạt trên 30%.
Hiện doanh nghiệp cũng lường trước một số khó khăn cho nửa cuối năm 2022. Cụ thể, với mức độ lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ, EU như hiện nay, sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm do người tiêu dùng ưu tiên cho mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm hơn là thời trang.
Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu như đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics khiến chi phí vận chuyển tăng liên tục, thiếu hụt container rỗng... vẫn chưa được giải quyết.
“Mặc dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên, khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp,” ông Thân Đức Việt nêu thực trạng.
Ngành da giày, túi xách cũng phải đối mặt với tình trạng cầu nhập khẩu giảm nhẹ, chi phí logistics quốc tế tăng cao, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng khoảng 20%.
“6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giày dép đạt 11,9 tỷ USD, xuất khẩu túi xách đạt trên 2 tỷ USD, tổng cộng đạt gần 14 tỷ USD. Nếu duy trì được tốc độ xuất khẩu như đầu năm, ngành có thể đạt 25 tỷ USD trong cả năm 2022, nhưng với tình hình hiện nay, dự báo nửa cuối năm không mấy khả quan, thì chưa thể nói mạnh về việc cán đích mục tiêu”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) nói.
Mới đây các ngành hàng xuất khẩu như gỗ, gạo, trái cây, thủy sản đã gặp nhiều khó khăn khi không thể nào thuê được container rỗng, mặc dù giá thuê cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ, chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Đơn cử, chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ vào khoảng 400 - 440 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu phải chi phí cho dịch vụ logistics vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng.
Có thể thấy, gánh nặng logictics khiến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 8% đang là thách thức lớn, đòi hỏi các ngành hàng, doanh nghiệp phải bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để thích ứng nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp kỳ vọng xăng dầu giảm sâu hơn nữa để hạ nhiệt chi phí logistics
Chi phí đầu vào, chi phí logistics là áp lực của các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn suốt từ đầu năm tới nay. Với việc giảm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp cho biết, đây sẽ là động lực để kéo giảm một phần chi phí sản xuất, giúp các doanh nghiệp có điều kiện để điều chỉnh cơ cấu giá thành, vốn đang chịu áp lực bởi chi phí logistics tăng cao.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: "Trong cơ cấu giá thành, chi phí logistics chiếm 20%, khi giá xăng dầu giảm thì chi phí logistics giảm. Giá thành từ đó cũng giảm xuống. Được Chính phủ hỗ trợ nên chúng tôi hy vọng cơn "bão giá" sẽ chựng lại".
Song, bên cạnh đó, vẫn có những ngành gần như chắc chắn vẫn sẽ "đứng ngoài" sự kiện xăng giảm giá 10% lần này, trong đó phải kể đến ngành vận tải.
Đại diện các doanh nghiệp vận tải khẳng định dù có giảm hết cỡ các loại thuế, phí hiện nay trong giá xăng dầu thì doanh nghiệp vận tải cũng vẫn chưa thể hạ giá cước tương ứng.
Nguyên nhân, suốt thời gian qua, giá cước vận tải không tăng theo kịp giá xăng. Công thức chung mà cả doanh nghiệp và thị trường vận tải thống nhất là khi xăng dầu tăng/giảm 10%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng/giảm giá cước tương ứng với tỷ lệ chiếm chi phí của nhiên liệu.
Tính từ tháng 6/2021 đến nay, giá dầu đã tăng tới 70%, tính trong tổng thể chi phí thì mức tăng là 20%, trong khi cước vận tải đến nay chỉ điều chỉnh tăng được khoảng 10%. Vì thế, phải gom rất nhiều kỳ điều chỉnh xăng dầu nữa mới đủ sức tác động giảm giá cước vận tải.
Trong bối cảnh rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao, đe dọa xuất khẩu nửa cuối năm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn.
"Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, phải cùng nhau thực hiện khai thác tốt", ông Việt nhấn mạnh.