‘Cỗ xe tam mã’ có đủ sức kéo đà tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm?
(DNTO) - 3 cấu phần của "cỗ xe tam mã" gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít thách thức và cần giải pháp căn cơ để thúc đẩy cỗ xe này phi nhanh hơn, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa và tái phục hồi trong bối cảnh nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những con số ấn tượng.
GDP 6 tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao 6,42%. Đóng góp vào mức tăng này là mức tăng GDP 7,7% trong quý 2, cao nhất trong 11 năm qua.
Trong đó, 3 trụ cột của nền kinh tế là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực.
Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 là 1.301 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%, tăng cả ở khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và FDI.
Về xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn đạt tăng trưởng cao, cán cân thương mại cân bằng, có xuất siêu nhẹ 710 triệu USD.
Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng là 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% và đồng loạt tăng ở tất cả các mảng như bán lẻ hàng hóa, lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành…
Đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2022. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, theo chuyên gia, thách thức nhiều hơn. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục thì những thách thức mới như cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga làm sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thêm trầm trọng hơn.
Trong đó, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế dù đang phục hồi và tăng tốc chạy, nhưng vẫn còn rất nhiều “tảng đá” ngáng đường cần được giải quyết.
Trong đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm đạt 14,03 tỷ USD, giảm tới 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về điều này, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Phụ trách Văn phòng KPMG Hà Nội, kiêm Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam phân tích, cuộc chiến Nga – Ukraina gây ra bất ổn, không chỉ vấn đề cung ứng xăng dầu mà còn vị thế địa chính trị và chuỗi cung ứng của thế giới. Trong khi đó, các nhà đầu tư rất lo sợ trước những biến động, tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng khiến dòng vốn đầu tư cũng sụt giảm.
“Mặc dù tổng vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt 10,6 tỷ USD, tăng 8,9% nhưng có nhiều dự án làm từ năm ngoái do vướng dịch bệnh nên năm nay mới giải ngân được. Hiện nhiều nước trên thế giới đang đối mặt tình trạng thất nghiệp, lạm phát tăng cao dẫn đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm. Trong khi đó so với nhiều nước khác, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn chưa thực sự cởi mở”, bà Hà nhấn mạnh.
Về vấn đề xuất nhập khẩu, theo ông Trần Thanh Hải, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như dầu thô, than đá cũng góp phần tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay.
“Việt Nam là nước vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu nhiên liệu. Căng thẳng giữa Nga – Ukraine góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới lên, Việt Nam xuất khẩu dầu thô và than đá nhưng một phần chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu nên cũng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu với nhóm mặt hàng này. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị vẫn tăng, điều này cho thấy sự cân bằng tương đối giữa xuất – nhập khẩu với nhóm hàng năng lượng, nhiên liệu”, ông Hải cho biết.
Tuy vậy, xuất nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều thách thức do tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia. Đặc biệt là thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ (lạm phát tháng 5 là 8,6%, cao nhất trong 40 năm), Liên minh châu Âu (lạm phát trong tháng 5 là 8,1%, cao nhất kể từ khi đồng tiền chung Euro ra đời). Việc lạm phát tăng cao sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, ngay cả những mặt hàng cho giá trị lớn trong ngành nông nghiệp.
Về tiêu dùng trong nước, phụ thuộc rất lớn vào sức mua của người dân. Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Lương tăng, nhưng giá cả hàng hóa cũng tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực chi tiêu đè nặng lên người lao động. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm đã có 209.000 người chọn rời quỹ hưu trí, mỗi năm gần đây có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa cứ 2 người tham gia thì một người xin rút.
Nhiều chuyên gia dự báo giá cả hàng hóa Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong nửa cuối năm còn lại, do giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao và còn có khả năng tăng giá. Điều này gây áp lực tăng giá lên hầu hết các hàng hóa trên thị trường và tác động mạnh đến sức mua của người dân.
TS Võ Trí Thành khuyến nghị, trong 6 tháng cuối năm, quý 3 dự kiến tăng trưởng cao. Tuy nhiên, không loại trừ một số kịch bản tăng trưởng không mong muốn do tác động từ bên ngoài. Vì vậy, bài học từ năm trước vẫn còn hiện hữu và cơ quan điều hành nên có kịch bản khác nhau để có điều hành tốt nhất, linh hoạt, khéo léo nhằm ổn định vĩ mô.