Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm: Mừng, lo đan xen
(DNTO) - Bên cạnh những chỉ số tích cực của nền kinh tế trong nước, thì sự biến động phức tạp của kinh tế thế giới tiếp tục mang đến những quan ngại về khả năng đạt tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam.
Nét phục hồi đậm dần
Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm qua theo công bố của Tổng cục Thống kê mới đây đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, sau 2 năm đại dịch.
Cụ thể, nửa đầu năm, GDP nước ta tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 2 năm 2020-2021. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,6%, đạt 76.200 doanh nghiệp. Du lịch phục hồi khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần gấp 7 lần cùng kỳ trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ước đạt 10,06 tỷ USD - mức tăng cùng kỳ cao nhất trong 5 năm liên tiếp…
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2022, chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho biết mặc dù GDP chưa trở lại mức tăng trước đại dịch nhưng con số 6,42% là mức tăng ấn tượng, cùng với các chỉ số khác như xuất nhập khẩu giữ được mức tăng trưởng 2 con số, phía sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo mức tăng 9,6%… đã cho thấy kinh tế Việt Nam đang bước vào đà phục hồi tốt.
Sự phục hồi này, theo TS Võ Trí Thành, đến từ nhiều trợ lực, từ nỗ lực của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết, Chương trình phục hồi kinh tế, cho đến các nỗ lực của các doanh nghiệp.
“Nghị quyết 128 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành sát với thực tế đất nước,doanh nghiệp, đã giúp mở cửa kinh tế, phục hồi từng bước. Quan trọng nhất là doanh nghiệp đã xốc lại tinh thần và tìm thấy những cơ hội mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đây là dấu ấn quan trọng tạo ra đà phục hồi”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Áp lực vẫn còn rất lớn
Mặc dù bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã sáng sủa hơn, nhưng để tạo ra sự đột phá trong 6 tháng cuối năm và làm bàn đạp tăng trưởng cho năm 2023, cần rất nhiều nỗ lực.
Bởi hiện các chỉ báo kinh tế thế giới trong nửa năm còn lại đang theo chiều hướng xấu đi. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2022 chỉ đạt 2,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm. Còn con số mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo cuối năm ngoái.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn từ việc những đối tác lớn bị suy thoái kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của WB cũng giảm chỉ còn 5,8% so với mức 6,5% hồi cuối năm ngoái.
“Nhiều chỉ số kinh tế thế giới không trong tầm tay mình, ví dụ dự báo gần đây là kinh tế các đối tác lớn Việt Nam đang chậm lại, chưa nói một số khu vực có thể có nguy cơ lạm phát rất cao, đình trệ, suy thoái. Bên cạnh đó, rủi ro vốn có và có thể gia tăng như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, rủi ro địa chính trị, chưa kể những rủi ro liên quan đến tài chính tiền tệ, đặc biệt FED tăng lãi suất còn nhanh hơn việc chúng ta nghĩ. Điều đó làm cho quá trình phục hồi, tốc độ phục hồi vốn đã chậm còn khó khăn hơn”, TS Võ Trí Thành cho hay.
Về nội lực trong nước, TS Võ Trí Thành nhận định, hiện đà phục hồi giữa các địa phương và các lĩnh vực không đồng đều. Ví dụ trong lĩnh vực đầu tư công, tốc độ giải ngân còn rất chậm. Trong 6 tháng đầu năm, mới chỉ 25% tổng vốn đầu tư công và 9% vốn đầu tư công từ nguồn ODA được giải ngân. Trong khi đó, đây là một trong những trụ cột của chương trình phục hồi và phát triển.
Ngoài ra, bên cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, thì trong nửa đầu năm nay, có 83.570 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, những vấn đề nổi cộm vẫn còn đó và Việt Nam cần một kịch bản điều hành tốt để vừa giữ ổn định vĩ mô, vừa duy trì đà tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay, ngay từ năm ngoái, Việt Nam đã có các chính sách tài khóa, tiền tệ để giữ ổn định kinh tế. Trong giai đoạn phục hồi hiện nay, các công cụ đó phải sử dụng khéo léo hơn.
“Ví dụ ngay trong chương trình phục hồi và phát triển, chúng ta đã dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa, khác với giai đoạn 2020-2021 là dựa vào chính sách tiền tệ. Trong huy động nguồn lực, cách huy động, nói một cách nôm na là dựa vào nguồn tiền vốn có trong dân là phát hành trái phiếu, nó cũng tăng áp lực nhưng nhẹ hơn rất nhiều từ chính sách tiền tệ. Kể cả việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng nằm trong chính sách tài khóa và nằm trong mục tiêu điều hành linh hoạt về tăng cung tiền tệ, tăng cung tín dụng.
Ngoài ra là dòng kiều hối, thu hút FDI chưa cao như năm ngoái nhưng vẫn thặng dư, do đó dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng. Đây chính là điểm đảm bảo quan trọng cho tỷ giá VND ổn định”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, mặc dù áp lực đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022 không hề nhỏ, lạm phát có thể không dưới 4%, tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì mức tăng trưởng 6,5% nếu phối hợp tốt hơn về thể chế, đẩy nhanh đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.