Giải 'bài toán' liên kết vùng để tạo đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
(DNTO) - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để phát huy hiệu quả của việc liên kết vùng, đưa nền kinh tế vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", trong thời gian tới cần khẩn trương xây dựng và ban hành luật về liên kết vùng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người "nhạc trưởng".
Vai trò của "nhạc trưởng" tham gia liên kết vùng còn mờ nhạt
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.
Mặc dù vậy, thể chế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi. Vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung ương còn mờ nhạt, cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hết hiệu lực.
Những hạn chế trên đây khiến các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng...
Trước thực trạng những hạn chế tồn tại về liên kết vùng ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, thì con đường bền vững nhất chính là liên kết xây dựng một vùng kinh tế thống nhất. Khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", để năm 2025, GDP bình quân đầu người là 4.700-5.000 USD/năm
Nêu quan điểm về vấn đề này, trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc chạy theo lợi ích phát triển kinh tế giữa các địa phương đã làm cho liên kết vùng bị suy giảm. Do đó, để đạt được hiệu quả của liên kết vùng trong thời gian tới cần khẩn trương xây dựng và ban hành luật về liên kết vùng.
"Luật về liên kết vùng cần cụ thể các nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết. Ngoài ra, luật liên kết vùng có thể xem xét đề cập tới các nội dung về cơ chế khuyến khích cho những sáng kiến liên kết hay liên kết mang lại hiệu quả chung cho toàn vùng hoặc cho quốc gia và cơ chế phạt liên kết", ông Phú cho hay.
Đồng thời, có thể thành lập bộ máy vùng ở 6 vùng kinh tế-xã hội nhằm quản lý thống nhất và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch vùng, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương trong điều phối chính sách, để các chủ trương chính sách chung của Trung ương thực sự gắn với các điều kiện cụ thể của địa phương.
"Xây dựng quy hoạch vùng theo hướng phải là quy hoạch tổng thể, có như vậy mới tránh khỏi lãng phí và sự chồng chéo trong các quy hoạch. Đặc biệt, trong quy hoạch vùng cần phải đổi mới quan niệm, đó là sự “phá vỡ” ranh giới hành chính, điều này đã được các cơ quan chức năng chú ý khi quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội với không gian mở rộng ra các tỉnh lân cận trong khoảng bán kính từ 50-100 km. Tương tự như vậy, quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận cũng có bán kính lan tỏa tương tự...", ông Phú nhấn mạnh.
Sự chuẩn bị về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực sẽ tạo xung lực
Mới đây, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, để "vựa nông sản" lớn nhất của cả nước thực sự bước vào cuộc chuyển đổi chưa từng có, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng liên tục đề cập vấn đề: "Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?”.
"Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng”, Bộ trưởng Hoan nhận định.
Nhấn mạnh vai trò liên kết vùng, tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định: “Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Nhân rộng ra, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, muốn đạt được những mục tiêu đề ra của sự liên kết vùng ở Việt Nam cần chuẩn bị một cách đầy đủ cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, các thể chế để phát triển ở các vùng và của cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế với các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu... Cần có “nhạc trưởng” vùng để thực hiện các chủ trương nghị quyết, quy định đã đề ra một cách nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả.
"Trước hết trong 5-10 năm tới có lẽ chúng ta nên chọn 3 vùng trọng điểm để thực hiện trước, sớm sơ kết đánh giá, để sau đó tiêp tục nhân rộng sang các vùng còn lại của cả nước. Đó là vùng ĐBSCL, vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, vùng đồng bằng Bắc bộ", ông Phú nhận định.
Đặc biệt, ông Phú cho rằng, phải chú trọng đến việc đánh giá những tác động rõ rệt của sự liên kết vùng sau một thời gian nhất định như: Thu nhập bình quân đầu người tăng lên một cách hợp lý, đời sống nhân dân được cải thiện, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong vùng được nâng lên, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng tạo được dấu ấn ở trong nước cũng như ở nước ngoài...
"Sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà doanh nghiệp có tâm và có tầm tham gia trong môi trường sản xuất, kinh doanh và sự cố gắng nỗ lực của các địa phương, chắc chắn nghị quyết 57 CP sẽ được thực hiện hiệu quả, đem lại niềm tin mạnh mẽ cho sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện về kinh tế xã hội ở nước ta", ông Phú kỳ vọng.