Để chống chọi với bão giá, kỳ vọng vốn rẻ không 'làm khó' doanh nghiệp
(DNTO) - Hiện nay, những biến động tăng cao nhanh chóng của giá xăng dầu khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó càng thêm khó. Trong bối cảnh khát vốn, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất là nguồn vốn rẻ đang được triển khai sẽ kịp thời và thẩm thấu.
Hiện nay, trong bối cảnh giá xăng không ngừng "nhảy múa", tăng lần thứ 7 liên tiếp, hiện chạm ngưỡng gần 33.000 đồng/lít, và được dự báo còn nhiều biến động thì lạm phát có thể duy trì được mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, đang là bài toán khó.
Các chuyên gia lo ngại, giờ đây, không chỉ từ phía người tiêu dùng, các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng bắt đầu bộc lộ những sắc màu xám, đồng bộ và thậm chí "xám hơn" sắc màu của nền kinh tế toàn cầu u ám...
"Mỗi ngày trôi qua, thông tin hôm nay xấu hơn thông tin hôm qua. Trong bối cảnh như thế, nền kinh tế Việt, được xem là ổn định và tăng trưởng tốt nhất khu vực nói chung, châu Á nói riêng, nền kinh tế "duy nhất đón ánh mặt trời khi cả toàn cầu chìm vào bóng tối”, đã bắt đầu ngấm đòn trên mọi mặt trận", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Quận Long Biên, (Hà Nội), các tiểu thương cho hay, giá xăng dầu "lên đồng" liên tục, kéo theo nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc, nên các mặt hàng rau củ, quả vận chuyển từ Đà Lạt và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, khiến tiểu thương bán cũng khó, mà người tiêu dùng khó khăn gấp bội trong việc chi tiêu, làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê nhận định doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71.800 doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đánh giá về tình hình của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn trong bối cảnh yếu tố đầu vào tăng cao.
Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã tăng từ 10 đến 30%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 40%. Khiến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.
"Đến thời điểm này, dù sức mua của thị trường còn yếu, song nhiều doanh nghiệp đã và đang buộc phải tăng giá bán sản phẩm vì không thể gồng nổi. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều “cực chẳng đã” mà doanh nghiệp buộc phải làm trong giai đoạn này", ông Long nhấn mạnh.
Cụ thể, khoảng 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải kê khai giá cước từ 10-15% để bù đắp chi phí nhiên liệu và tăng từ 7-10% đối với giá cước vận tải hàng hóa.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Bộ Tài chính cũng lo ngại tác động tiêu cực do ảnh hưởng giá nhiên liệu, do đó đề nghị các Cục Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.
"Giá xăng dầu tăng cao đã gây ra hiệu ứng dây chuyền lên tất cả các mặt hàng hóa của một chuỗi cung ứng. Theo các doanh nghiệp, trước đây khi chi phí sản xuất tăng thêm 5% là đã có thể đàm phán với đối tác điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đã làm ví tiền của người mua giảm đi thì việc tăng giá bán lại trở thành vấn đề nan giải. Với những khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đang trông chờ vào dòng vốn giá rẻ từ Nhà nước để có thể giảm phần nào chi phí đầu vào", các chuyên gia nhìn nhận.
Đánh giá về vai trò của việc thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 2%, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, gói hỗ trợ lãi suất với quy mô 40.000 tỉ đồng từ ngân sách mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức tín dụng mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
"Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm chi phí vốn vay, từ đó giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành sản phẩm, khi chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển đang có xu hướng tăng do giá xăng dầu và nguyên liệu nhập khẩu tăng. Đặc biệt trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ giữ ổn định giá thành và giá bán sản phẩm hàng hóa, góp phần giữ ổn định giá cả trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng", ông Lệnh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, hiện nay điều doanh nghiệp trăn trở là chương trình hỗ trợ 2% lãi suất đang triển khai quá chậm.Từ nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội cho đến thông tư hướng dẫn tương ứng với khoảng thời gian gần 6 tháng là quá trễ đối với doanh nghiệp.
“Gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng lớn lắm nhưng độ trễ của chính sách khiến doanh nghiệp chưa thụ hưởng được. Hiện nay doanh nghiệp lương thực thực phẩm khó khăn muôn bề, phải dùng kênh huy động vốn khác mới được duy trì sản xuất đến thời điểm này”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, trần tình.
Về vấn đề này, ông Lệnh cho rằng, hiện ngành ngân hàng thành phố đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả.
Trong trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng phải có văn bản thông báo cho khách hàng. Ngoài ra, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cần báo cáo ngay về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố để kịp thời giải quyết.
“Nếu doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng. Trường hợp, doanh nghiệp bị ngân hàng thương mại “làm khó” thì có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật,” ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.