Nhập khẩu 'áp đảo' xuất khẩu, liệu có đáng lo?
(DNTO) - Xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận là điểm sáng của nền kinh tế. Dẫu vậy, niềm vui này chưa thể trọn vẹn khi nhập siêu đã quay trở lại, ghi nhận hơn 1,42 tỷ USD. Lo lắng càng lớn dần hơn nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến ngày 15/6, cả nước xuất khẩu đạt kim ngạch 15,1 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ tháng trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong kỳ đạt 16,5 tỷ USD, tăng 6,5%.
Như vậy, cán cân thương mại ghi nhận thâm hụt (nhập siêu) 1,42 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6. Lũy kế từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 168,28 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt 169,57 tỷ USD. Cán cân thương mại từ đầu năm đến giữa tháng 6 trở lại tình trạng nhập siêu, ghi nhận thâm hụt gần 1,3 tỷ USD.
Nhìn vào con số nhập siêu không quá lớn, các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường, vì hiện nay các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu, và có thể được bù đắp bằng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 6 và những tháng tới đây, nếu xuất khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy, đã bắt đầu xuất hiện các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể, thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động của chiến sự Nga - Ukraine, ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa của Việt Nam như làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. Cùng với đó, tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra.
Đặc biệt, giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát...
Bên cạnh con số nhập siêu còn xuất hiện những lo lắng từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả. Cụ thể nửa đầu tháng 6, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 15,01 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD tỷ USD. Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế có thể sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Vì vậy, việc quốc gia này vẫn đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
'Hóa giải' bằng cách nào?
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, chi phí logistics cũng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực tháo gỡ, đặc biệt là lạm phát và giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp tận dụng khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng cũng như tạo lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2022.
Ở góc độ khác, các chuyên gia WB cho rằng, với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. “Việt Nam vẫn nên đa dạng hóa đối tác thương mại để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì”, WB khuyến cáo.
Nêu quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để tạo lực đẩy cho "gió đổi chiều", cần quan tâm đến tỷ giá.
Phân tích cụ thể, ông Thành cho rằng, việc tỷ giá VND/USD tăng thấp và giảm cũng có vấn đề đáng quan tâm. Trước hết là quan hệ giữa xuất và nhập khẩu, thông qua tỷ giá thương mại. Tỷ giá thương mại được tính bằng cách chia chỉ số giá xuất khẩu cho chỉ số giá nhập khẩu, tỷ giá thương mại lớn hơn 100% thì giá xuất khẩu lớn hơn chỉ số giá nhập khẩu, tức là tỷ giá VND/USD tăng sẽ góp phần có lợi xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu.
Ngược lại, nếu tỷ giá thương mại nhỏ hơn 100%, thì chỉ số giá xuất khẩu thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu, tức là tỷ giá VND/USD giảm sẽ góp phần có lợi cho nhập khẩu, bất lợi cho xuất khẩu. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2020 giảm 0,74%, năm 2021 giảm 2,49%, quý I/2022 giảm 3,13%. Nếu tỷ giá thương mại giảm kéo dài, sẽ bất lợi cho xuất khẩu.
"Về tổng thể, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Cho dù đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá trở lại, ngân hàng nhà nước cũng sẽ không để tỷ giá VND/USD tăng mạnh vì còn phải thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất theo yêu cầu của Chính phủ. Sự ổn định của tỷ giá trong nước sẽ giúp xuất siêu trở lại, dòng kiều hối sẽ chảy mạnh về Việt Nam vào các tháng cuối năm", ông Thành cho hay.