Nửa đầu tháng 1/2022, Việt Nam 'đảo chiều' nhập siêu gần 2 tỷ USD
(DNTO) - Nửa đầu tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 28 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đảo chiều với con số nhập siêu gần 2 tỷ USD. Đây được xem là tín hiệu cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang hồi phục sản xuất để bước vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong nửa đầu tháng 1/2022 (từ ngày 01-15/01), kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh so với nửa cuối tháng 12/2021 trước đó.
Cụ thể, xuất khẩu đạt 12,95 tỷ USD, giảm mạnh gần 6 tỷ USD. Trong 15 ngày đầu tháng có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện với 1,85 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,58 tỷ USD; dệt may với 1,44 tỷ USD; máy móc, thiết bị với gần 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD, giảm gần 1,5 tỷ USD so với nửa cuối tháng 12/2021.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị là 2 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” trong nửa đầu tháng 1 với kim ngạch lần lượt là gần 3,5 tỷ USD và 1,95 tỷ USD.
Như vậy, nửa đầu tháng 1/2022, cán cân thương mại đảo chiều với con số nhập siêu 1,65 tỷ USD, trái ngược với con số xuất siêu 2,6 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2021.
Điều này cũng hợp quy luật khi tháng 1 thường rơi vào dịp Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán, vì vậy các doanh nghiệp tăng tốc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất kinh doanh mùa cuối năm, trả các đơn hàng đã ký.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng theo các chuyên gia, tình hình sẽ sớm được cải thiện khi vaccine ngừa Covid-19 đang được các nước tích cực triển khai trong cộng đồng. Điều này sẽ giúp kéo nền kinh tế thế giới “ấm” dần lên, tạo đà cho các hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp trong nước trở nên sôi động hơn.
Theo đó, để nắm bắt thêm nhiều cơ hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2022, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế như giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nên thực hiện sớm chính sách miễn, giảm các loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi.
Thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường, trong đó tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông có quy mô lớn; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.