Doanh nghiệp trên đà hồi phục, bức tranh kinh tế Việt Nam 'khởi sắc' với nhiều điểm sáng lạc quan
(DNTO) - Bức tranh kinh tế 11 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng với các chỉ số lạc quan về sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu... cho thấy "vết thương" kinh tế đang nhanh chóng hồi phục và trên đà bứt phá.
Sản xuất khởi sắc giúp chỉ số IIP 11 tháng của cả nước tăng 5,5%
Sáng 29/11, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), ngành khai khoáng có mức tăng 2,2%, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.
Tính cả 11 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm. Ngoài ra, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về các hoạt động kinh tế khác, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và vận tải cũng ghi nhận sự hồi phục khi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang dần trở về trạng thái “bình thường mới.”
Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tính đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng cũng tăng 42,4% so với tháng trước do Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Trên thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 10.
Xuất siêu trở lại, đạt 225 triệu USD
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11.2021 ước tính xuất siêu 100 triệu USD; tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, con số xuất siêu tuy không cao nhưng rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cán cân thương mại đã nhập siêu trong nhiều tháng.
Ở chiều xuất đi, ước tính tháng 11.2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng qua, những mặt hàng “át chủ bài” đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong tổng số 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã tạo đà cho xuất siêu quay trở lại ở tháng thứ 2 sau một thời gian nhập siêu.
Đặc biệt, các nhóm hàng chủ lực là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt, may; sắt thép các loại; hàng hóa khác; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép các loại; hàng thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng tiếp tục giữ vững ở “tốp 10” nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất trong 11 tháng qua.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19; đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để tránh ảnh hưởng xuất khẩu sang EU bởi đây là thị trường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.
Tiếp đà phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới tháng 11 bật tăng gần 50%
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2021 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
“Kết quả cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong tháng 11/2021, cả nước có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so với tháng 10/2021.
Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,45 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,7% so với 11 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong tháng 11/2021, có 3.523 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; có 4.642 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,3% và tăng 3,8%; có 1.256 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 55,8% và giảm 35,3%.
Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 14,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%, trong đó có 13,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm3,9%; 184 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 25,5%. Bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.