Bức tranh thị trường lao động chưa bao giờ 'xám xịt' đến thế
(DNTO) - Sáng nay, 12/10, Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tình trạng thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người).
“Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp là 2,67% (quý 3 là 3,43%), trong đó, khu vực thành thị là 3,58%; nông thôn là 2,15%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%; tỷ lệ thiếu việc làm là 3,04% (khu vực thành thị là 3,0% và nông thôn là 3,07%)”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê thông tin thêm.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức, khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.
Trong quý 3/2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so với quý trước và giảm 657,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18,0 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
"Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, thậm chí là toàn bộ địa bàn cấp tỉnh khiến tất cả doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hoạt động cầm chừng trong một thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực chưa từng có đến thị trường lao động, việc làm trong quý 3 khiến lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn đương nhiên tác động tiêu cực đến thị trường lao động khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng.
“Trong 9 tháng đầu năm chỉ có 85.500 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt là chưa bao giờ có hiện tượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường như trong 9 tháng đầu năm nay với 45.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 32.400 doanh nghiệp chờ giải thể; 12.800 doanh nghiệp giải thể’, ông Thúy cho biết.
"Tỷ lệ thất nghiệp chưa lột tả hết bức tranh thị trường lao động"
Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến người lao động bị thất nghiệp, ra khỏi lực lượng lao động bị mất thu nhập thường xuyên mà ngay cả những người có việc làm cũng bị giảm thu nhập.
Tổng cục Thống kê ghi nhận thu nhập bình quân tháng của lao động quý 3/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
"Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 3/2021 thấp hơn đáng kể so với quý 2/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây", bà Mai cho biết.
Cũng theo bà Mai, quý 3/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước...
Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tới khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đây là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý 3/2021, thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340 nghìn đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.
Ở góc nhìn khác, có thể thấy rằng, mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn chưa từng thấy nhưng trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ có 2,67%, thậm chí trong quý 3, hàng loạt địa phương thực hiện “nhà cách ly với nhà, tổ cách ly với tổ, phường cách ly với phường” thì tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ dừng lại ở con số 3,43% - tỷ lệ thất nghiệp “trong mơ” của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc ILO tại Việt Nam, bà Valentina Barcucci, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chưa lột tả hết được bức tranh về thị trường lao động cũng như thất nghiệp. “Ở nhiều nước trên thế giới, thất nghiệp không phải là vấn đề quá quan trọng mà vấn đề quan trọng nằm ở chỗ thiếu việc và tỷ lệ lao động tiềm năng cao”, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.
“Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp (tính theo thông lệ quốc tế) vì vậy nên xem xét sử dụng thêm các chỉ tiêu khác như thiếu việc làm, lao động tiềm năng, lao động tự sản tự tiêu để phản ánh sát thực hơn về thị trường lao động, đặc biệt xét trong bối cảnh của Covid-19 hiện nay. Bởi chỉ có bức tranh hoàn chỉnh về thị trường lao động, Chính phủ, các bộ ngành mới có các cơ chế, chính sách khai thác tối đa thị trường lao động vì lao động tiềm năng (người lao động không đi tìm kiếm việc làm), thiếu việc làm, lao động tự sản tự tiêu còn rất lớn. Cần phải khai thác tối đa lực lượng lao động để tạo ra sản phẩm cho xã hội”, bà Valentina Barcucci nói thêm.