Vực dậy tinh thần người lao động khi tái mở cửa
(DNTO) - Dịch Covid-19 khiến hàng chục nghìn người lao động thất nghiệp, giảm thu nhập, cùng với việc giãn cách nhiều ngày tác động không nhỏ tới tâm lý con người. Vì vậy, khi doanh nghiệp tái khởi động, việc chăm lo cho người lao động được đặt lên hàng đầu.
Nhiều tháng buộc phải nghỉ việc do dịch Covid-19, chị Phạm Kiều Oanh (quận 7, TP.HCM) đã quay trở lại công việc sau khi có quyết định của UBND TP.HCM cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 1/10.
Thế nhưng, lần này, khi trở lại với công việc, chị Oanh mang trong mình rất nhiều tâm trạng. Một phần vui mừng vì có thể tiếp tục đi làm, duy trì thu nhập nhưng quãng thời gian dài cách ly tại nhà, trải qua những hụt hẫng do mất đi những người thân, bạn bè trong dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của chị.
“Thực sự lúc nào tôi cũng cảm giác rất bất an, đi làm được lúc nào hay lúc đó vì dịch bệnh vẫn hoành hành nên không biết liệu rằng dịch có bùng phát trở lại và công ty có phải tiếp tục ngừng sản xuất hay không?”, chị Oanh lo lắng.
Tâm trạng của chị Oanh cũng là tình trạng chung của nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh quốc) hồi năm ngoái đã đưa ra một nhận định đáng báo động rằng, 10 ngày cách ly xã hội có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý kéo dài đến 3 năm sau đó.
Tâm lý của người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng đặt gánh nặng lên vai các chủ doanh nghiệp hay những quản lý, những người làm công tác nhân sự khi thực hiện tái mở cửa. Bên cạnh việc duy trì điều kiện làm việc an toàn, duy trì thu nhập ổn định, việc vực dậy tinh thần cho người lao động là hết sức quan trọng.
Bà Phạm Ngọc Trâm, CEO Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Smart Loyalty cho hay, trước kia, hệ thống đánh giá nhân sự của doanh nghiệp thường dựa vào các yếu tố như KPI, tính tuân thủ kỉ luật hay hoạt động đào tạo… Tuy nhiên những yếu tố này thường lập trình cứng nhắc và không xét đến yếu tố cảm xúc của nhân viên, khiến nhiều người không mấy vui vẻ và không đồng tình khi nhận kết quả.
Vì vậy khi doanh nghiệp bước vào trạng thái mới, người lao động cũng mang trong mình những tâm trạng mới, những người quản lý cần dành nhiều thời gian hơn cho các nhân viên của mình vì họ đang từng ngày cùng với doanh nghiệp tạo ra các giá trị. “Việc xây dựng một đội ngũ nhân viên trung thành quan trọng không kém việc giữ chân khách hàng”, bà Trâm nói.
Đồng tình với quan điểm nhân viên cũng là khách hàng của doanh nghiệp và cần được chăm sóc nhiều hơn, bà Hoàng Hồng Nhung, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp tại Sota Coach cho biết, nếu những người lãnh đạo thực sự mang lại giá trị và truyền cảm hứng cho nhân sự của mình, thì nhân viên trả lại bằng hiệu suất làm việc, tính chủ động trong việc chịu trách nhiệm với kết quả công việc, sẵn sàng cùng doanh nghiệp xây dựng và phát triển.
“Tôi rất thích câu ‘nhìn cây để sửa đất, xem con để sửa mình’, nếu để đánh giá khả năng lãnh đạo của một cá nhân nào đó, thông thường sẽ nhìn vào chính nhân sự của người đó. Nếu đào tạo, chăm sóc cho đội ngũ nhân sự càng mạnh lên, doanh nghiệp sẽ có một cỗ máy đạt hiệu suất cao nhất, dễ dàng ủy quyền hay mở rộng quy mô của doanh nghiệp”, bà Nhung chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện rất nhiều chủ doanh nghiệp thường có quan điểm rằng, khách hàng VIP sẽ không giao cho nhân viên chăm sóc vì không tin tưởng, hay chủ doanh nghiệp thường phải đi ngoại giao, tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, vòng tròn chuẩn để giúp doanh nghiệp tự vận hành tốt đó là đào tạo nhân sự để họ tìm kiếm, chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, đa phần chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu suất làm việc, quan tâm đến KPI, quan tâm đến thời gian làm việc của nhân viên có đủ 8 tiếng hay không, mà quên mất việc tăng cường thể trạng, tinh thần làm việc cho nhân viên. Theo bà Nhung, chỉ khi hiểu được điều này, doanh nghiệp mới có những mức độ ưu tiên và có chương trình phù hợp cho nhân viên của mình.
“Một số doanh nghiệp trong thời gian làm việc tại nhà đã có kế hoạch như dành 30 phút buổi sáng cho nhân viên tập thể dục, hoặc thuê HLV yoga dạy tập luyện cho nhân viên vào mỗi giờ nghỉ trưa, điều này tạo nên không khí, tinh thần vui vẻ, thể trạng tích cực cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn”, bà Nhung chia sẻ.
Cũng theo bà Nhung, khi doanh nghiệp tái khởi động trở lại đồng nghĩa với việc đối diện với những biến thiên mới của thị trường, xã hội, thay đổi chuỗi cung ứng, khách hàng…, nên cần đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự.
“Đòn bẩy nhân sự từ đào tạo là đòn bẩy rẻ nhất nhưng mang lại kết quả cao nhất, nếu doanh nghiệp có kế hoạch, chương trình đào tạo thường xuyên và hiệu quả”, bà Nhung nói.