Lo 'chảy máu nhân lực', doanh nghiệp công nghệ đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho lao động
(DNTO) - Dịch Covid-19 khiến hoạt động của nhiều công ty công nghệ khó khăn, trong khi vẫn phải duy trì mức lương ‘khủng’ cho các nhân sự, các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ có thêm giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp trong lĩnh vực này đủ lực tái khởi động.
Áp lực “giữ chân” nhân sự
Ông Bùi Hoàng Hải, giám đốc một công ty công nghệ chuyên chạy app cho các đơn vị F&B (dịch vụ thực phẩm), cho biết, trong hai năm nay, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến hàng loạt nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa trong nhiều tháng trời, thậm chí rời bỏ thị trường.
Mặc dù hiện tại, các đơn vị F&B đang bắt đầu đẩy mạnh kênh online, tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ và cơ bản ngành F&B vẫn chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của các công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho lĩnh vực này sụt giảm trầm trọng.
Tình hình sụt giảm doanh thu cũng xảy ra ngay cả với nhiều công ty công nghệ cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ông Đào Bá Quang, giám đốc một doanh nghiệp công nghệ cho biết, mặc dù dịch Covid-19 thúc đẩy nhanh hơn quá trình số hóa của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc lượng lớn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong thời gian qua, những doanh nghiệp còn trụ lại cũng phải gồng mình mới có thể duy trì hoạt động, nên dù nhận thức được việc chuyển đổi số là vô cùng quan trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện công ty công nghệ mọc lên như “nấm sau mưa”, đặc biệt sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài khiến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ như hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn phải duy trì mức tiền “khủng” để giữ chân nhân sự và thu hút các nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, áp lực với công ty công nghệ hiện rất lớn.
Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ
Thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy năm 2021, Việt Nam cần là 500.000 nhân lực công nghệ thông tin và thiếu hụt 190.000 người.
Công nghệ thông tin là một trong 10 những ngành nghề có mức lương cao nhất tại Việt Nam, theo Jobstreet.com. Cụ thể, những sinh viên mới tốt nghiệp có mức lương cơ bản từ khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng. Những người 1 - 2 năm kinh nghiệm, mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng và có thể lên tới hơn 20 triệu đồng nếu trên 3 năm kinh nghiệm với kỹ năng tốt.
Đáng chú ý, kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) có mức lương lên tới khoảng 70 triệu đồng/tháng. Kỹ sư dữ liệu lớn (Big Data) và kỹ sư Backend hay lập trình viên khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, ở các vị trí cấp quản lý như CTO, CIO, mức lương hầu hết trên 3 con số, theo thống kê của TopDev về thị trường IT Việt Nam tính đến quý 2/2021.
Ông Trương Anh Quân, đại diện Câu lạc bộ Chuyển đổi số trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, đối với các doanh nghiệp công nghệ, tài sản lớn nhất là nhân lực và chi phí lớn nhất cũng là trả lương lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ mong muốn Chính phủ giảm thuế thu nhập cá nhân mà doanh nghiệp phải chi trả cho lao động.
“Hiện có những doanh nghiệp 200-300 nhân sự đang làm gia công phần mềm cho nước ngoài, chi phí trả lương cho đội ngũ rất lớn, nhưng vì để cạnh tranh, doanh nghiệp phải tăng mức lương cho nhân sự, điều này đồng nghĩa mức đóng thu nhập cá nhân cũng tăng”, ông Quân cho hay.
Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng đã đề ra giải pháp giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong Nghị quyết 41, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính kết hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân để thực hiện giải pháp trên vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, hiện tại sau 5 năm, giải pháp giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong Nghị quyết 41 vẫn chưa được thông qua.
“Việc giảm thuế thu nhập cá nhân giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, giữ chân được nhân sự, không bị chảy máu chất xám. Bởi hiện nay, nhiều nhân lực giỏi làm việc trực tiếp cho các công ty nước ngoài, khai báo thuế theo hộ kinh doanh 5%, lúc đó doanh nghiệp công nghệ trong nước sẽ mất chuyên gia”, ông Quân cho biết.