Đề xuất mới trong chống dịch Covid-19: Doanh nghiệp tự quản lý, điều trị F0
(DNTO) - Tổng Giám đốc May 10 khẳng định: "Với điều kiện y tế đầy đủ như May 10 thì chúng tôi xin phương án tự chủ cả trong điều trị F0. Chúng ta có F0 tại nhà thì tại sao không có F0 tại DN?".
Những quyết sách cụ thể bất bình thường của các địa phương trong phòng, chống dịch Covid 19 thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho DN. Ngoài những DN trực tiếp chịu ảnh hưởng do đại dịch phải phá sản, đóng cửa thì nhiều DN hiện đang hoạt động nhưng đều tỏ rõ sự mệt mỏi vì sự bất ổn định, mập mờ của các yêu cầu chống dịch. Ngày 8 – 9/9 vừa rồi được cho là “căng thẳng nhất” từ trước tới nay của các DN ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc vì qui định mới trong việc cấp giấy đi đường khiến DN, người dân không biết lối nào mà lần. Nhưng cuối cùng thì Hà Nội lại cho dùng giấy đi đường cũ.
Doanh nghiệp tự điều trị F0; cần tiêu chí về sản xuất xanh
Theo TS Vũ Tú Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ, do thành tích chống dịch tốt nên DN Việt Nam có thời gian dài tận dụng lợi thế đó để sản xuất. Xuất khẩu của năm 2020 và nửa đầu năm 2021 rất tốt. Cái đó vô tình tạo cho DN bất lợi là tập trung sản xuất bù lại phần thiếu hụt của thế giới mà không có thời gian để xây dựng qui trình sản xuất an toàn, nhiều DN bây giờ mới làm.
“Các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam đáng lý ra vẫn hoạt động nhưng lại không thể hoạt động độc lập được vì còn nằm trong các địa phương. Khi Đồng Nai, TPHCH giãn cách thì DN cũng không thể sản xuất.
Để tính đến lộ trình mở cửa an toàn thì Chính phủ nên phân loại DN theo năng lực đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí về sản xuất an toàn, sản xuất xanh; tập trung hỗ trợ cho những DN hơi đuối trong bảng xếp hạng để khi trở lại các DN có cùng xuất phát an toàn. “Nếu mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có DN đáp ứng tốt DN không đáp ứng được thì sản xuất không thể phát triển được” – TS Vũ Tú Thành nói.
Cũng liên quan câu chuyện an toàn sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, bà Phan Thị Thanh Xuân – Hiệp hội Da giày, túi xách cho rằng: Cần có sự hướng dẫn, đào tạo cho đội ngũ y tế tại chỗ cho DN. Thực tế hiện nay, khi gặp vấn đề gì báo cáo với địa phương, y tế địa phương thì thời gian mất 3-5 ngày. Khi được đào tạo thì đội ngũ y tế tại chỗ sẽ “sơ cứu ban đầu” để DN yên tâm.
Còn ông Thân Đức Việt thì khẳng định: "Với điều kiện y tế đầy đủ như May 10 thì chúng tôi xin phương án tự chủ cả trong điều trị F0. Chúng ta có F0 tại nhà thì tại sao không có F0 tại DN?”.
Doanh nghiệp muốn "ngủ đông" nhưng sợ không thức dậy được!
Ông Thân Đức Việt – TGĐ Công ty May 10, cho biết, các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động, sản xuất phân tán, việc sử dụng nhiều lao động khi thực hiện giãn cách theo 16 và 16+ gây rất nhiều khó khăn cho DN. Chỉ riêng dấu cộng trong các chỉ thị, DN cũng không biết là dấu cộng có ý nghĩa gì, chưa kể việc áp dụng Chỉ thị 16 ở các địa phương cũng rất khác nhau. Các DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… thực sự khó khăn với thời gian giãn cách 2 tháng vừa rồi. Nếu DN không quay trở lại sớm, sống chung với dịch thì tỷ lệ phá sản sẽ rất cao.
“Mạng sống của con người là quan trọng nhất. Nhưng một DN có vài chục nghìn lao động mà chết thì cũng là một vấn đề rất lớn. Bởi chúng ta cần lưu ý giữa sức khỏe của DN với sức khỏe của người dân. Sức khỏe của DN liên quan tới cuộc sống của 30.000-40.000 người. Nếu DN phá sản thì để lại hệ lụy về an sinh kéo dài. Chúng tôi đánh giá cao cách nhìn mới của Chính phủ về việc sống chung với dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Cụm từ khó xác định nhưng đã mở được một nút gỡ cho cộng đồng DN” – ông Thân Đức Việt nói.
Chi phí vận chuyển hiện đang rất cao. Theo tính toán của ông Việt, đi từ Hà Nội đến Nam Định chi phí cho 1 xe tải là 500.000 đồng, nhưng chi phí xét nghiệm hết cả triệu đồng. “Chi phí xét nghiệm toàn bộ cho công nhân của May 10 trước đây là 1,3 tỷ, giờ giá một kít thử còn 100.000 đồng thì cũng là 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này so với vaccine thì tiền vaccine ít hơn rất nhiều. Chi phí là 1 chuyện nhưng còn là uy tín sản xuất với bên giao hàng nên DN phải cố gắng nếu lỡ vận chuyển 1 tuần thì phải giao bằng máy bay, chỉ cần 1 lần chi phí đã rất lớn rồi" - ông Việt cho biết thêm.
Ông Việt cũng chia sẻ, thực tế DN cũng không muốn duy trì sản xuất kinh doanh trong lúc này, đóng cửa ngủ đông thì rất dễ và nhàn nhất. Việc duy trì sản xuất là để đảm bảo uy tín với bạn hàng bởi nếu áp dụng mô hình sản xuất như hiện nay, chi phí tăng gấp 3-4 lần, rủi ro lây nhiễm chéo cao, nhưng năng suất và hiệu quả chỉ đạt 40-50%.
Cùng chia sẻ về những khó khăn của DN, ông Nguyễn Thanh Ngữ - GĐ Cty cổ phần Thành Thành công Biên Hòa cho rằng, trong tình hình hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan cần tập trung đưa ứng dụng công nghệ vào để giải quyết nhanh, bớt những giấy tờ, thời gian từ thông quan, di chuyển trên đường…
“Chúng ta không phải áp dụng 3 tại chỗ là chỉ đóng cửa trong nhà máy rồi sản xuất mà còn liên quan đến rất nhiều khâu khác thì DN mới có thể vận hành được. DN ngủ đông thời gian ngắn thì còn được, nếu ngủ quá dài thì sẽ không dậy được bởi sẽ mất thị trường, mất khách hàng” – ông Ngữ nói./.