Thâm hụt thương mại chưa từng có, xuất khẩu cuối năm liệu có thể cứu vãn?
(DNTO) - Tháng 7/2021, Việt Nam ghi nhận mức nhập siêu kỉ lục, lên tới 1,7 tỷ USD. Tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, trong khi quá trình vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, giá cước vận chuyển cao, những tháng còn lại của năm 2021 sẽ rất khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam.
Cán cân thương mại có thể cải thiện
Theo số liệu từ Bộ Công thương, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng trong 7 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, nhưng đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì vậy, việc tăng trưởng xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.
Bộ Công thương cũng dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao. Nguyên do là các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại sẽ làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam.
Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong thông báo được đưa ra ngày 21/7, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, tương đương với mức dự báo được đưa ra trong tháng 4/2021.
Còn theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 8/6, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% thay vì 4,1% được dự báo hồi đầu tháng 1/2021.
Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Cùng với việc giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
“Theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm vào giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới”, Bộ Công thương nhận định.
Xuất khẩu khó có thể tăng trưởng mạnh
Mặc dù có nhiều yếu tố giúp xuất khẩu những tháng cuối năm có thể cải thiện, tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng…
Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.
Mặc dù theo nhận định từ Bộ Công thương, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp lĩnh vực này có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.
Để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối với nhà nhập khẩu, và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.