Cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam khi Peru phê chuẩn CPTPP
(DNTO) - Việc Peru chính thức thông qua Hiệp định CPTPP là cơ sở để thúc đẩy kim ngạch song phương Việt Nam – Peru, mang lại cơ hội mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang quốc gia này trong thời gian tới.
Ngày 14/7, Peru chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau hơn 3 năm kể từ khi hiệp định được ký kết từ tháng 3/2018, đưa Peru trở thành nước thành viên thứ 8 thông qua CPTPP.
Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực với Peru sau 60 ngày kể từ khi nước này hoàn tất thông báo việc thông qua hiệp định với nước lưu chiểu (New Zealand). Việc Peru chính thức thông qua Hiệp định CPTPP là cơ sở để thúc đẩy kim ngạch song phương Việt Nam – Peru.
Theo Bộ Công thương, Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi 75% các công ty xuất – nhập khẩu của Peru có quy mô vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập, cạnh tranh, có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.
Hiệp định CPTPP chính thức đi vào hiệu lực hứa hẹn sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại hai nước. Peru cam kết xóa bỏ 81% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.
Hiệp định CPTPP cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam và Peru có quan hệ FTA, vì vậy, theo Bộ Công thương, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội mà hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, ngay sau khi có hiệu lực, một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Peru như mặt hàng đồ gỗ (đồ gỗ ngoại thất), các sản phẩm nông sản (hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê).
Đối với hàng dệt may, giày dép, thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Hàng năm, Peru nhập khẩu khoảng 350 triệu USD hàng giày dép, chủ yếu là giày dép giả da hoặc có thành phần nhựa. Với CPTPP, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm của Trung Quốc và Brazil.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản, hàng tiêu dùng, cao su, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng... cũng là các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Peru.
Bộ Công thương cho biết, với việc các quy định nhập khẩu của Peru được đánh giá là đơn giản hơn so với mặt bằng chung các nước, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Peru, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược xuất khẩu bền vững, sớm xây dựng được hình ảnh hàng hóa Việt Nam uy tín, chất lượng tại thị trường nước bạn.
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Peru phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 48,3% trong vòng 5 năm từ mức 284,96 triệu USD (năm 2014) lên mức 422,73 triệu USD (năm 2019).
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giảm 7,5%, đạt 391,17 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, 6 tháng đầu năm đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch song phương đạt 278,27 triệu USD, tăng 78,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 242,49 triệu USD, tăng 103,6% với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clanhke và xi măng, hàng dệt may và thủy sản. Ngược lại, Peru xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản.
Xét trong khu vực Mỹ La tinh, Peru là một trong những quốc gia có chính sách kinh tế đối ngoại cởi mở. Peru cũng tham gia và là thành viên của hầu hết các định chế quốc tế và khu vực như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Thái Bình Dương (PA), thành viên hợp tác của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercorsur)...
Hiện Peru đã ký kết 27 hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó 23 hiệp định đã có hiệu lực, 3 hiệp định đang chờ quốc hội phê chuẩn, 1 hiệp định vừa được quốc hội phê chuẩn (CPTPP) và đang đàm phán 6 FTA khác.