Quy tắc xuất xứ có phải nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt ‘thờ ơ’ với CPTPP?
(DNTO) - Sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP, mặc dù xuất khẩu Việt Nam sang 2 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định này vẫn rất thấp.
Tín hiệu tích cực sau 2 năm thực thi CPTPP
Trao đổi tại Hội thảo CPTPP – Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam, sáng 27/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung, các nước châu Mỹ nói riêng.
Tuy trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, sau 2 năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang 2 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định này là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD (tăng 45%) và 3,17 tỷ USD (tăng 41%) so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh: Chile: tăng 30%, Peru: tăng 21% so với năm 2018.
“Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt 1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD), Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD).
Lợi thế thuế quan chưa tận dụng triệt để
Tuy CPTPP mở đường tăng trưởng cho xuất khẩu của Việt Nam vào châu Mỹ nhưng tỉ lệ doanh nghiệp Việt sử dụng thuế ưu đãi CPTPP còn thấp.
Cụ thể, với Canada – 1 trong 2 thị trường đã phê chuẩn CPTPP, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng thuế ưu đãi từ hiệp định này vẫn dưới 20%/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào quốc gia này - bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada thông tin.
Đặc biệt, tuy cùng mức ưu đãi thuế nhưng mỗi nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng thuế ưu đãi CPTPP khác nhau. Ví dụ, ưu đãi thuế CPTPP có sự chênh lệch rất hấp dẫn là 17%-18% so với thuế MFN, nhưng giày dép thì sử dụng ưu đãi thuế CPTPP rất cao, khoảng 70%, trong khi dệt may sử dụng ưu đãi thuế CPTPP rất thấp, dưới 40%.
“Câu hỏi đặt ra là có phải yêu cầu về xuất xứ từ sợi đặt ra đối với hàng dệt may Việt Nam quá khó nên doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được CPTPP hay không? Và có phải lý do khi Mỹ không còn là thành viên của CPTPP, trong khi thị trường Canada quy mô không đủ lớn nên doanh nghiệp không có động lực đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP?” - bà Hương đặt vấn đề.
Thế nhưng, theo vị tham tán này, ngay cả những nhóm hàng Việt Nam có thể chủ động được nguồn nguyên liệu như thủ công mỹ nghệ, sản phẩm ngũ cốc, ưu đãi thuế CPTPP có sự chênh lệch rất hấp dẫn từ 6-11% so với thuế MFN, quy tắc xuất xứ không khó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhưng tỷ lệ sử dụng thuế ưu đãi CPTPP cũng rất thấp.
Khi phân tích sâu vào mặt hàng túi xách, mặc dù quy tắc xuất xứ khá đơn giản, có thể nhập nguyên liệu từ bất kỳ nước nào, chỉ việc cắt may ở Việt Nam và mức thuế chênh lệch cũng cao, khoảng 11%, nhưng tỷ lệ sử dụng thuế ưu đãi CPTPP trong nhóm lại thấp nhất, dưới 40%.
“Qua việc phân tích nhóm hàng khác nhau, ngoài câu chuyện quy tắc xuất xứ khó hay dễ, có khả năng đáp ứng được hay không, có thể có những yếu tố khác khiến cho doanh nghiệp vẫn ngần ngại hoặc không biết để khai báo, xin giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi như thủ tục phức tạp, hoặc chỉ đơn giản là doanh nghiệp chưa biết, chưa quan tâm đến CPTPP” - bà Hương băn khoăn.
Lý giải về việc doanh nghiệp Việt còn chưa tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, những hạn chế Việt Nam đã đánh giá được trước khi CPTPP có hiệu lực thì đến nay vẫn còn tồn tại và cần có thời gian khắc phục.
Quay trở lại với câu chuyện của ngành hàng dệt may, bà Trang cho biết, mặt hàng này để đáp ứng được quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP còn khó khăn. Bởi nhiều địa phương e ngại trong việc thu hút đầu tư với một số dự án dệt nhuộm do băn khoăn về vấn đề môi trường, điều này gây khó khăn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may.
Ngoài ra, việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng với các loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản còn khó khăn mặc dù chất lượng đã cải thiện nhưng chưa đồng bộ, nếu không khắc phục được điều này, hàng hóa Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục khó thâm nhập vào thị trường khó tính như châu Mỹ.
Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp chưa nắm vững được cam kết của CPTPP. Khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng cho thấy, 75% doanh nghiệp cho hay họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP.
“Doanh nghiệp xin giấy chứng nhận xuất xứ chủ yếu do các đối tác nhập khẩu yêu cầu. Nếu doanh nghiệp chủ động tìm hiểu về ưu đãi của hiệp định, có thể đàm phán với nhà nhập khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ tại những thị trường khác không có FTA với nước nhập khẩu” - bà Trang cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, thời gian tới, phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần có những giải pháp mạnh hơn, mới hơn nữa, cụ thể là vấn đề thông tin; cần có những buổi tập huấn chuyên biệt cho từng thị trường, từng ngành hàng cụ thể để Hiệp định CPTPP đi vào thực chất hơn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tận dụng ưu đãi tốt hơn từ hiệp định.