Doanh nghiệp Việt vẫn khó hưởng 'trái ngọt' từ CPTPP
(DNTO) - Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể "chạm" hết những lợi ích mà Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mang lại, một phần do tác động của đại dịch Covid-19, một phần do các doanh nghiệp vẫn chưa chịu "dọn mình" để thích ứng.
20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết của CPTPP
Thông tin trên được đưa ra tại buổi hội thảo Hai năm thực thi hiệp định CPTPP tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay, ngày 7-4, tại Hà Nội.
Nhìn lại chặng đường hai năm CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam, báo cáo của VCCI nêu rõ, so sánh về mặt bằng chung, những lợi ích mà hiệp định mang lại còn tương đối khiêm tốn, chưa được như những gì Việt Nam kỳ vọng.
Năm 2019, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường trong khối này mới đạt 7,2%, thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Năm 2020 do tác động của dịch bệnh nên tình hình không có nhiều thay đổi.
Theo VCCI, một trong những nguyên nhân khách quan không thể bỏ qua là "những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp trong nước".
Theo kết quả khảo sát VCCI thực hiện, các doanh nghiệp nhìn chung còn khá "mơ hồ" với hiệp định này, khi mà có tới 69% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ mới chỉ nghe nói và biết sơ bộ về CPTPP; 25% doanh nghiệp được cho có những hiểu biết nhất định. Tỉ lệ doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về hiệp định này còn vô cùng ít, "cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình".
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 4 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp được hưởng "trái ngọt" từ CPTPP.
Một trong những điều mà Việt Nam kỳ vọng khi tham gia CPTPP là những ưu đãi về thuế quan. Thế nhưng, những điều này lại chưa được các doanh nghiệp tận dụng tối đa. Nhiều vướng mắc tiêu cực đang cản chân doanh nghiệp như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ, thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết... và đặc biệt tới 45% doanh nghiệp được hỏi không hề biết đến những ưu đãi thuế quan dành cho lô hàng của mình.
Câu hỏi về vấn đề tuyên truyền nội dung hiệp định lại một lần nữa được đặt ra. Theo VCCI, những nỗ lực tuyên truyền mới chỉ ở bề mặt và “với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Doanh nghiệp nhà nước vẫn "đứng ngoài" hiệp định
Trong khi các doanh nghiệp FDI và tư nhân cảm nhận khá rõ về những tác động của hiệp định CPTPP, với 51-51% doanh nghiệp được hỏi cho rằng có tác động tích cực; lần lượt 6,8% và 2,2% cho rằng có tác động tiêu cực thì khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoàn toàn đứng ngoài những tác động này.
64% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được hỏi cho biết, họ không hề chịu tác động nào từ CPTPP, không chỉ riêng hiệp định này mà với các hiệp định khác cũng vậy.
"Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này", báo cáo VCCI nêu rõ.
Theo kết quả điều ta, 80% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đưa lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp… không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”.
"Rõ ràng sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung", báo cáo nêu rõ.
Tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đặt ra vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Theo đó, nếu các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kỹ năng chuyên môn và quản lý doanh nghiệp cần đặt lên đầu, thì với doanh nghiệp nhà nước là nâng cao khả năng linh hoạt, chủ động tìm kiếm cơ hội trong chuỗi sản xuất.
Để doanh nghiệp chuyển mình thích nghi sẽ không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tại hội thảo cho hay, doanh nghiệp cần làm ngay ba việc sau: Chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh; nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng và thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.