Chiến lược nào giúp nông sản Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
(DNTO) - Sự bó hẹp trong một số thị trường, không chỉ làm chúng ta mất đi thị phần mà còn rơi vào tình trạng lệ thuộc trong xuất khẩu. Bài toán mở rộng, chiếm lĩnh thị trường sẽ không quá khó với với mặt hàng nông sản Việt Nam nếu chúng ta đủ khả năng cung ứng từ khâu chất lượng, số lượng đến thương hiệu.
Nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu
Dù mặt hàng rau quả của Việt Nam đang có mặt tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, song so với tiềm năng thì đây vẫn là con số khiêm tốn. Sự bó hẹp trong một số thị trường, theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ để mất đi thị phần xuất khẩu trên thế giới mà còn làm chúng ta rơi vào tình trạng lệ thuộc trong xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh những mặt hàng nông sản đang làm nên "tên tuổi" của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su, cá tra, basa…, mặt hàng các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài, bơ, đu đủ, mít… và các loại rau quả đóng hộp cũng đang góp phần định vị thương hiệu Việt Nam trên "bản đồ" xuất khẩu rau quả của thế giới.
Nêu quan điểm tại Hội nghị "Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ", sáng nay, 7/7, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng, hiện nay, các biện pháp SPS liên quan tới chế biến rau quả giống như những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp, HTX, người dân cần nắm chắc để đảm bảo giao thương không bị gián đoạn.
Theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến ATTP và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.
"So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Lãnh đạo SPS Việt Nam cho rằng, điều này phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay. Chia theo nhóm lĩnh vực, 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%", ông Nam thông tin.
Nhấn mạnh một số biện pháp SPS liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm, ông Nam cho rằng, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.
Với EU, mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.
Chế biến sâu vẫn là bài toán nhức nhối
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá, hiện nay, nhiều loại trái cây đặc thù của Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu dưới dạng tươi do hàng rào kỹ thuật rất khắc nghiệt. Đặc biệt là việc xuất khẩu tới các thị trường xa bị hạn chế vì nếu đi đường hàng không thì chi phí quá đắt đỏ, ở mức khoảng 3,2 USD/kg, trong khi đường tàu biển lại vướng rào cản về thời gian vận chuyển quá dài.
“Việc thúc đẩy khâu chế biến vừa giúp nông sản Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật, vừa nâng cao được giá trị. Cụ thể, trái chanh leo bán tại Gia Lai có mức giá chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, nhưng qua siêu thị ở Canada thì giá cao gấp 7-8 lần. Hoạt động chế biến cũng giúp tận dụng được hàng “loại 2” để cho ra các sản phẩm khác và xuất đi bằng được tàu biển....”, ông Toản dẫn chứng.
Cũng theo ông Toản, trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào chế biến nông sản với 60 tổ hợp chế biến, tương đương 2,6 tỷ USD. Bên cạnh đó là hơn 7 ngàn cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo các dạng hình thức khác nhau, riêng trong lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp...
Gần đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017, sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, thì đến nay sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô chỉ còn 70%. Ngành nông nghiệp đặt lộ trình và mục tiêu phấn đấu cân bằng tỷ lệ này là 50 - 50 trên cơ sở chọn lựa các thị trường.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhìn nhận, đây sẽ là miếng bánh cực kỳ hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải có định hướng về việc sản phẩm nào cần đẩy mạnh chế biến và chế biến thế nào để phù hợp nhu cầu thị trường, thị hiếu người dùng. Đơn cử, có sản phẩm không cần sản phẩm chế biến, ví dụ như sản phẩm hàu có thể nuôi, khai thác và đưa thẳng đi xuất khẩu.
"Chế biến cũng phải lựa chọn dạng hình sản phẩm theo tín hiệu thị trường. Thị trường đòi hỏi như nào, chúng ta phải làm đúng như vậy. Rất có thể 10 năm nữa, thực phẩm chức năng là nguồn đóng góp doanh thu kỷ lục trong kim ngạch, và đây có thể là một hướng đầu tư chế biến trong thời gian tới của chúng ta", ông Toản nhìn nhận.
Đâu là những “nút thắt” cần tháo gỡ?
Tại Diễn đàn, ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, nút thắt lớn nhất cho xuất khẩu nông sản hiện nay đó là tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra (mới đáp ứng 50-60% công suất chế biến), nguyên nhân là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất, chế biến theo mùa vụ (2-3 tháng/năm).
Cùng với đó là chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng). Một số loại rau quả giá thành còn cao...
Về nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả, thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng). Khó khăn về mặt bằng sản xuất, không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; Bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%; Trình độ quản lý và tay nghề thấp...
Về thị trường tiêu thụ, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp, thói quen tiêu dùng (rau quả sử dụng vẫn là sử dụng tươi, đặc biệt khu vực nông thôn, người thu nhập thấp). Nhiều rào cản xuất khẩu (quy định ngặt nghèo về dư lượng khánh sinh, thuốc BVTV, hóa chất bảo quản, thuế, điều kiện lao động, môi trường, truy suất nguồn gốc); chi phí logistics cao (vận tải, xếp dỡ, bán lẻ... chiếm từ 35-50% giá xuất, giá bán cao khó cạnh tranh và chưa phù hợp với thu nhập người dân).
Về cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp; chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng; nguồn lực triển khai chính sách hạn chế; lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tăng cường thêm năng lực về khâu chế biến, tạo nên chu kỳ khép kín nhằm giảm chi phí tối đa. Điều này vô cùng quan trọng khi hiện tại cả nước có khoảng 60 nhà máy chế biến rau quả có công nghệ, thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng với chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, đa số các nhà máy mới chỉ hoạt động 20-30% công suất do không chủ động được nguồn nguyên liệu...