Làm gì để nông sản Việt tiếp cận sàn thương mại điện tử một cách hiệu quả?
(DNTO) - "Hiện nay, chuỗi sản xuất phân phối tiêu dùng, xuất khẩu đối với hàng nông sản tuy đã có nhiều tiến bộ song vẫn có nhiều điểm nghẽn tồn tại, đặc biệt ở ngay thị trường nội địa, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng xử lí để nông sản Việt nâng tầm giá trị", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.
Con đường tiếp cận kênh phân phối hiện đại còn nhiều trắc trở
Trong tình hình hiện nay, sản xuất nông sản trong nước ngày càng dồi dào, chất lượng tiến bộ hơn. Việt Nam đang phấn đấu 10-15 năm tới trở thành một quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển cao ở khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, chuỗi sản xuất phân phối tiêu dùng, xuất khẩu đối với hàng nông sản vẫn có nhiều điểm nghẽn tồn tại, đặc biệt ở ngay thị trường nội địa.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ về con đường tiếp cận kênh phân phối hiện đại, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay chỉ có khoảng 8-10% hàng nông sản sạch đạt chất lượng đang được bày bán và tiêu thụ ở kênh thương mại hiện đại, còn lại phải bán ra ở thị trường tự do với giá bán chỉ tương đương với nông sản chưa đảm bảo chất lượng trên thị trường. Điều đó dẫn tới thua thiệt cho người sản xuất nông sản sạch và rất khó khăn lựa chọn của người tiêu dùng hàng ngày.
Nêu lý do khiến các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chưa vào được hết các siêu thị, ông Phú chỉ rõ: Thứ nhất, cả nước có hơn 1000 siêu thị, hơn 200 trung tâm thương mại và khoảng 4000 các siêu thị mini, cửa hàng tự chọn bán nông sản sạch, chừng đó là chưa đủ so với tỷ lệ số siêu thị trên số dân ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, ...
Trong khi ở Việt Nam thị phần bán lẻ của các siêu thị mới chiếm khoảng 20%, thì Thái Lan là 65%, Singapore là 92%, Malaysia 70%, chính vì vậy việc đón quỹ hàng hóa nông sản ngày càng sản xuất dồi dào hơn, khối lượng ngày càng lớn hơn bởi diện tích quầy kệ chỉ có hạn.
Thứ hai, việc tiếp cận hàng nông sản vào siêu thị còn nhiều khó khăn như chiết khấu cao vô lý... Điều đó xảy ra ở một số chuỗi siêu thị có thế mạnh, mang dáng dấp độc quyền mua hàng của người sản xuất, hiện tượng này diễn ra nhiều năm, không phải là cá biệt.
Chúng ta có Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh thành phố, Cục quản lý cạnh tranh, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội bán lẻ, nhưng những tiếng nói để chia sẻ, can thiệp, làm trọng tài sao cho giao dịch công bằng, không chèn ép nhau lại rất ít.
"Thậm chí có lãnh đạo cấp bộ ngành Công Thương còn nói rằng: “Chúng tôi không can thiệp được vì Việt Nam đã đi theo cơ chế thị trường, mua bán hoàn toàn theo thỏa thuận”. Câu nói này nghe qua có vẻ đúng, nhưng thực chất thì không phải như vậy vì: “Chúng ta vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước”, ông Phú thẳng thắn.
Đồng thời nhấn mạnh: "Chính vì vậy sự thua thiệt của người sản xuất gửi hàng vào siêu thị bị kéo dài triền miên nhiều năm nay chưa được khắc phục. Con đường tiếp cận kênh phân phối hiện đại còn lắm nhọc nhằn, khiến ý chí sản xuất nông sản sạch thường xuyên bị thui chột vì những rào cản trên. Đó là vấn đề thực tại của việc mua bán nông sản với kênh bán hàng trực tiếp hiện nay".
Để nông sản lên "chợ mạng" một cách hiệu quả?
Ông Phú nêu quan điểm, để giải quyết bài toán trên chúng ta chỉ có 2 con đường.
Thứ nhất, phát triển nhanh hệ thống phân phối kể cả siêu thị và các chợ dân sinh để mở rộng cửa, không phiền hà, tiếp nhận nhanh chóng, chi phí thấp đưa hàng vào phục vụ nhân dân nhưng cách này đòi hòi một thời gian dài mới có thể khắc phục được bởi vốn đầu tư lớn cộng với các chính sách để thu hút doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng hiện đại còn những hạn chế nhất định.
Thứ hai, để từng bước lấy lại niềm tin tiêu dùng, chiếm lấy thị phần trong trước, ngoài việc củng cố chất lượng sản phẩm, thì phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng cần được chú trọng, thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Và sàn thương mại điện tử hiện đang là hướng đi giúp nông sản Việt từng bước nâng tầm giá trị, đủ sức cạnh tranh với các nông sản ngoại nhập.
Ông phú dẫn chứng, một số năm gần đây nhiều sản phẩm nông sản Việt đã bước vào các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho mình như Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, voso.vn, ...
"Với sự phát triển của các gian hàng điện tử, các trang mạng như Zalo, Facebook, Messenger trong việc sử dụng các dịch vụ để trao đổi đặt hàng và mua bán hàng hóa, rõ ràng đây là một kênh tiêu thụ hàng nông sản góp phần vào việc tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, giảm bớt các áp lực khi chỉ trông vào kênh bán hàng trực tiếp tại các siêu thị", ông Phú nhìn nhận.
Tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả của kênh bán hàng này, ông Phú cho rằng, trước hết cần có sự hỗ trợ nhiều mặt của các cơ quan nhà nước, Bộ, ngành liên quan.
Muốn vậy, phải tạo môi trường sản xuất và bán lẻ minh bạch công khai với phương châm: “Hai bên đều thắng” trong chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa nông sản. Cùng đó, phải kiểm soát thị trường cả sản xuất và các kênh bán hàng, chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu, trốn thuế, làm thiệt hại các nhà sản xuất kinh doanh chân chính.
"Cần hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất, các kho dự trữ hàng nông sản để đặt lợi nhuận cao khi tiêu thụ. Giao dịch mua bán hiện nay trên thị trường ít được công khai minh bạch, việc hạch toán ghi chép chứng từ hóa đơn chưa làm đầy đủ", ông Phú nêu hạn chế.
Cũng theo ông Phú, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, đòi hỏi sự tự giác trong nỗ lực chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa. Họ phải tự khẳng định mình trong sự phát triển nghiêm túc, trung thực...
"Nếu làm được những vấn đề trên sẽ góp phần vào sự vươn lên mạnh mẽ trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản ở nước ta trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần vào việc phát triển ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của đất nước", ông Phú nhấn mạnh.