Bài toán 'chính ngạch' cho nông sản Việt
(DNTO) - Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen “ăn xổi”, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các "đường mòn lối mở"- nơi thường bị cấm vận đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra.
Với tổng sản lượng nhập khẩu chiếm từ 70-80% thị phần, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.
Một nền nông nghiệp sẽ khó phát triển bền vững khi năm nào cũng xảy ra tình trạng phải giải cứu, khi thì dưa hấu, khi là thanh long...
"Phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm"- đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh khi chỉ đạo về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với thị trường Trung Quốc, một trong những giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, ai cũng biết rằng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Song, làm thế nào để chuyển được sang chính ngạch là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là vấn đề lâu dài, khó, tồn tại đã nhiều năm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích.
Do đó, cần xây dựng lộ trình, thang đo, định vị được thị trường Trung Quốc và đưa ra được trách nhiệm của các bên. Cần khơi thông về tư duy đối với thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng chập chờn, dễ dãi dẫn đến việc sản xuất thả nổi, mùa vụ…
“Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch”, Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Đòi hỏi sự nhập cuộc của doanh nghiệp
Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm, có sự am hiểu thị trường và tầm nhìn thì những thay đổi từ thị trường không mới và để đáp ứng được cũng không phải là việc khó khăn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen “ăn xổi”, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, cứ khi nào có một chút hàng hóa lại kéo lên cửa khẩu phụ và thậm chí đưa hàng lên đó rồi mới tìm bạn hàng.
Vì thế, bài toán đặt ra, nếu doanh nghiệp không sớm coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì rất dễ bị tụt lại phía sau.
Không những vậy, nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với cách hiểu của 10-20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất đi nhiều cơ hội dù là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu top đầu thế giới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, việc chuyển sang chính ngạch về tiêu chuẩn hàng hóa cũng cần phải thích ứng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự sẵn sàng.
"Để xuất khẩu chính ngạch trước tiên phải xuất phát từ chính mình và làm phải chuẩn, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu", ông Huy nêu quan điểm.
Đặt mình từ góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, cho rằng muốn xuất khẩu chính ngạch thì phải thay đổi sản xuất. Nhưng ai sẽ là người hỗ trợ nông dân, HTX thay đổi?
Theo đó, ông Tiến cho rằng Nhà nước nên thành lập trung tâm tư vấn để hỗ trợ cho người nông dân về việc thay đổi phương thức sản xuất, trồng cây gì, canh tác ra sao. Đơn cử khi nông dân trồng vải muốn chuyển sang trồng theo phương pháp canh tác sạch và đem về giá trị gia tăng cao hơn thì các trung tâm này sẽ tư vấn cho nông dân về suất đầu tư, cách thay đổi...