Nỗ lực thông quan chỉ là giải pháp thời điểm, Trung Quốc có thể đóng cửa bất cứ lúc nào
(DNTO) - Việc các bộ ngành Việt Nam tích cực vào cuộc đàm phán với Trung Quốc gỡ rào chắn tại cửa khẩu chỉ là giải pháp mang tính thời điểm, còn việc đảm bảo bao bì hàng hóa không nhiễm Covid-19, đồng thời hướng tới xuất khẩu chính ngạch mới giải quyết tận gốc vấn đề.
Mới chỉ giải quyết phần ngọn
Những ngày gần đây, phía Trung Quốc liên tục thông báo khôi phục thông quan nhiều cửa khẩu, lối mở biên giới chung với Việt Nam như cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), cửa khẩu Sóc Giang (Cao Bằng), cửa khẩu các cửa khẩu/lối mở biên giới tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4… Việc này sẽ giảm áp lực ách tắc hàng hóa tại các khẩu biên giới giáp với phía Trung Quốc.
Đây là kết quả đạt được sau nhiều nỗ lực giao thiệp và trao đổi thiện chí giữa Bộ Công thương và địa phương Việt Nam với các cơ quan Trung ương và địa phương phía Trung Quốc, kể từ tháng 7/2021 đến nay.
Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dừng thông quan tại hàng loạt cửa khẩu biên giới với Việt Nam, cũng như ngừng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa Việt Nam. Tình trạng tương tự đã xảy ra nhiều lần trong năm 2020, 2021, khiến người dân phải thực hiện hàng loạt chương trình “giải cứu” nông sản.
Với việc kiên trì theo đuổi chiến lược “zero Covid-19”, Trung Quốc vẫn có thể đóng cửa biên giới bất cứ lúc nào, nếu phát hiện hàng hóa nhập khẩu vào nước này có kết quả axit nucleic dương tính.
Minh chứng rõ ràng nhất là đầu giờ chiều hôm nay 12/1, Trung Quốc thông báo dừng thông quan ở cầu phao tạm km 3+4 trên sông Ka Long, nối TP Móng Cái (Quảng Ninh) với TP Đông Hưng (Trung Quốc), do nghi trên xe hàng có Covid- 19, dù lối mở này vừa được thông quan 2 ngày trước đó. Điều này khiến cửa khẩu Móng Cái tiếp tục tồn hơn 1.000 xe hàng.
Vì vậy, những nỗ lực thông quan, mở cửa, trổ cổng... của các bộ ngành Việt Nam hiện chỉ mang tính thời điểm, mới chỉ có thể giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Loay hoay câu chuyện chính ngạch – tiểu ngạch
Trong các buổi làm việc với Bộ Công thương thời gian qua, phía Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại khuyến nghị về công tác phòng dịch và đề nghị phía Việt Nam cùng phối hợp để bảo đảm an toàn cho phương tiện và hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm đông lạnh. Phía bạn cũng mong Việt Nam coi đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn tại khu vực biên giới.
Trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng dịch cho hàng hóa xuất khẩu không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công thương hay một vài bộ ngành nào đó, mà là trách nhiệm của cả địa phương, vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái và lái xe đường dài.
Trước mắt, vấn đề quan trọng và sống còn là giữ cho hàng hóa, bao bì không bị nhiễm Covid-19. Về lâu dài, là các hộ nông dân, vùng trồng, địa phương phải tính đến con đường xuất khẩu chính ngạch. Bởi lẽ, đây cũng không chỉ là câu chuyện mới mẻ của hàng hóa Việt Nam, vì trong suốt thời gian dài vừa qua, việc xuất khẩu tiểu ngạch đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ngay cả khi không có dịch Covid-19, hàng hóa Việt Nam cũng luôn rơi vào cảnh được mùa, mất giá vì bị thương lái ép giá.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, đối với các mặt hàng hoa quả của Việt Nam, mới chỉ có 9 loại được phép xuất khẩu chính ngạch, số lượng còn lại nếu muốn xuất khẩu chỉ có thể đi theo con đường tiểu ngạch. Có một số doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không thực hiện được. Khi nhiều mặt hàng sản xuất trong nước dồi dào, dẫn đến nguồn cung dư thừa trong khi lại không thể xuất khẩu chỉ có thể dựa vào tiêu thụ trong nước, mà vừa qua gọi là “giải cứu”.
“Điều này cho thấy sự đầu tư của người dân, của người sản xuất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Chỉ khi nào các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đứng ra xây dựng một chuỗi, cung cấp giống và bao tiêu đầu ra cho người dân, tìm cách phối hợp với người nông dân đạt tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu mục tiêu, thì lúc đó mới có thể sản xuất và tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững. Còn nếu tiếp tục như thế này thì sẽ còn có hiện tượng ùn tắc hàng hóa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói trong Họp báo thường kỳ Bộ Công thương, chiều 12/1.
Cũng trong các khuyến nghị mà Bộ Công thương phát đi các bộ ngành liên quan và các địa phương, 10 chữ "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn" luôn được nhấn mạnh. Bởi lẽ, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại cả Việt Nam và Trung Quốc, nên quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu được dự báo sẽ còn tiếp tục được siết chặt. Trong thời gian ngắn, khó có thể lấy lại được tiến độ thông quan bình thường.
Vì vậy, Bộ Công thương khuyến nghị, sự chủ động theo dõi sát sao tình hình từ các địa phương vùng trồng, các doanh nghiệp xuất khẩu là rất quan trọng, để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới, tránh tình trạng ùn tắc gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người sản xuất.