Thủ tướng: Thúc đẩy kinh tế tập thể, để sản xuất chính ngạch, chinh phục thị trường 'khó tính'
(DNTO) - "Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chuyển mình về chất và lượng, khắc phục tình trạng yếu kém của sản xuất manh mún, nhỏ lẻ kéo dài, và nhất là ngày càng khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012, ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. Đặc biệt, hợp tác xã đã phát huy vai trò quan trọng tại "hậu phương lớn" miền Bắc chi viện cho "tiền tuyến lớn" miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
"Khu vực kinh tế tập thể đã cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, phát huy được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển còn rất lớn, dẫn dắt các hộ cá thể nhỏ lẻ khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh manh mún, chia cắt, tự phát, đi con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính", Thủ tướng đánh giá.
Cũng theo Thủ tướng, đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó, mô hình hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, với 1.181 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành phố, hơn 1,8 triệu thành viên...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia hợp tác xã và kinh tế hợp tác. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp...
Theo đó, để phát huy "sức mạnh" của kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế,Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường. Vận dụng khoa học sáng tạo, nhất là công nhệ cao, công nghệ số, chuyển sang phát triển xanh, tuần hoàn, tri thức; Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tá công tư; Có mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Tăng cường liên doanh liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý với điều kiện, sản phẩm, quy mô, thị trường; Nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ và người tham gia, các chủ thể.
Về định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã, Thủ tướng chỉ rõ, xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Về quan điểm, Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi Luật Hợp tác xã cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong thời gian tới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) đưa ra trong thế kỷ 21.
Về định hướng chính sách cần sửa đổi Luật Hợp tác xã, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất hợp tác xã; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng như: tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã; làm rõ vị trí, vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện cho khu vực kinh tế tập thể để các tổ chức này hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và xu hướng phát triển chung trên thế giới; không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng hợp tác xã trong việc quyết định phương án sản xuất kinh doanh, huy động vốn góp, tỷ lệ giao dịch, trích lập các quỹ... của hợp tác xã.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành hợp tác xã nhằm tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0; Hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các hợp tác xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.