Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sẽ làm nông nghiệp như mô hình Uber, Grab
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng sẽ làm nông nghiệp như mô hình Uber, Grab, với cách thức từng chiếc xe nhỏ sẽ hợp lại, kết nối thành những doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Với mô hình đó sẽ đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân.
Đã đến lúc phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng
Chia sẻ tại toạ đàm với chủ đề: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”, chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, gần đây, mỗi khi kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn, thì nhận định “nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế” thường được nhắc đến. Nông nghiệp đã, đang và sẽ được coi là quan trọng không chỉ trong lúc kinh tế đất nước "chơi vơi", mà ngay cả khi đất nước phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan. Theo đó, ông Hoan nhấn mạnh, những bước đi của ngành nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
"Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP, mà là một ngành kinh tế bao trùm, đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người", ông Hoan nhận định.
Cũng theo ông Hoan, để liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền chặt, cần tạo thành chuỗi đa giá trị trong mỗi ngành hàng, mỗi vùng nguyên liệu. Và mối liên kết đó bền vững hay không, cần có hệ sinh thái ngành hàng bao trùm. Trong hệ sinh thái đó, ngoài hai chủ thể là nông dân và doanh nghiệp, còn có sự tham gia của các nhà khoa học và cơ quan quản lý chuyên ngành: nông nghiệp, công thương, ngân hàng, tổ chức bảo hiểm... Mỗi một thành phần trong đó đều cần đến các thành phần còn lại, không thể tách rời, mà đồng đẳng, gắn kết chặt chẽ vì một mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.
Tất cả nông dân cũng phải đứng trước tinh thần khởi nghiệp
Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, muốn có sức để gánh vác trọng trách của “trụ đỡ” thì phải gia dựa vào hai thành phần chủ lực tạo nên trụ đỡ. Đó là hàng chục triệu hộ nông dân vốn được xem là trung tâm, là chủ thể của nền nông nghiệp phải được
"Chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có đặt ra vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Như vậy phải thay đổi tư duy của người nông dân. Tôi nghĩ, tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước tinh thần khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cho rằng, người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình.
Cũng theo ông Lộc, hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn.
Đồng tình với ý kiến của ông Lộc, Bộ trưởng Hoan cho rằng, nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn. "Chúng tôi cũng đang hướng tới việc người nông dân khởi nghiệp trong chương trình nông thôn mới, tức là đừng để người nông dân trong một ốc đảo tri thức. Ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân. Vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp", ông Hoan nhận định.
Đồng thời Bộ trưởng Hoan tâm sự, có lần ông hỏi TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan: "Làm nông nghiệp, doanh nghiệp cần tích tụ, tập trung đất đai bao nhiêu"?, ông Mỹ có trả lời: "Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng 4.0, người ta kinh doanh vận tải mà có sở hữu chiếc xe nào đâu. Như Uber, Grab, từng chiếc xe nhỏ nhưng hợp lại, kết nối thành những doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Kinh doanh khách sạn lưu trú nhưng không sở hữu một khách sạn nào cả, vì họ kết nối thôi".
"Và tôi sẽ làm nông nghiệp bằng tư duy "Uber, Grab" như vậy, bằng cách thức như thế, để đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.