Doanh nghiệp nông nghiệp cần 'tồn tại' trước khi tính chuyện phục hồi
(DNTO) - Sau hơn một năm chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và các mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tại các tỉnh phía Nam đang rất khó khăn.
Cảnh hàng hóa bán đổ bán tháo để “cầm hơi”, thua lỗ, thiếu vốn khiến các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản không còn dám mạnh dạn tái đầu tư. Mọi năm, đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa cho dịp cao điểm Tết. Còn năm nay, doanh nghiệp đang lo tồn tại rồi mới tính đến chuyện phục hồi, đẩy mạnh.
Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ đuối sức
Những ngày qua, ông Trần Văn Đê, chủ một doanh nghiệp nuôi trồng và phân phối tôm thương phẩm tại xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An than ngắn, thở dài. Ông đầu tư 23 ha tôm nuôi theo công nghệ cao và vừa thu hoạch trúng sản lượng. Nhưng giá tôm sụt giảm thê thảm do dịch COVID-19 và buộc phải bán đổ bán tháo, lỗ hàng chục tỷ đồng, không đủ thu hồi vốn. Do đó, giờ dịch bệnh được kiểm soát, đầu ra cho tôm cũng ổn hơn nhưng ông Đê còn e dè chưa thả lại vụ tôm mới. Theo ông Đê, điều cần nhất lúc này là các điểm đầu mối tiêu thụ ở TP.HCM được mở lại, đồng thời nhà nước trợ vốn, điều phối giá vật tư nông nghiệp, thức ăn tôm để nông dân như ông tạm yên tâm đầu vào, đầu ra.
Ông Trần Văn Đê cho biết: "Sự thật bây giờ rất khó khăn, thứ nhất là đầu ra. Hiện nay, bà con nông dân khổ như vậy thì chắc chắn gặp khó khăn lớn về vốn. Tôi mong Nhà nước hỗ trợ giúp doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp mới có điều kiện hỗ trợ cho người chăn nuôi. Chứ tình hình này thấy rất khó phục hồi, bởi trong khi tôm thì bán không được, nhưng giá thức ăn tăng mạnh như vậy thì thấy rất bất hợp lý".
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều HTX nuôi trồng, kinh doanh nông thủy sản ở Đông Nam bộ. Theo Ông Huỳnh Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Cần Giờ Tương Lai, TP.HCM, tình trạng thiếu vốn, khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm đang khiến các đơn vị nuôi trồng, cung ứng nông thủy sản phải đau đầu, đứng ngồi không yên. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX có nguy cơ phá sản, không thể phục hồi sau gần 2 năm cầm cự trong dịch COVID-19.
Theo ông Thanh, ở thời điểm này, doanh nghiệp, HTX nào muốn đẩy mạnh sản xuất thì cũng cần tiền nhưng tiếp cận nguồn vốn vay không hề dễ dàng: "Vừa qua chúng tôi cũng cố gắng tự lực cánh sinh thôi, mới đây cũng đề xuất vay Quỹ hỗ trợ nông dân TP nhưng mà chưa được xem xét. Mong rằng trong thời gian tới được TP quan tâm, có sự tác động tới các tổ chức tín dụng cũng như ngân hàng chính sách, xã hội hay các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân TP để có điều kiện đầu tư và tái phục hồi sau thời gian dịch bệnh kéo dài".
Cần vốn và cần cả phương thức giao dịch để phục hồi sản xuất
Theo ông Trần Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nông nghiệp nông thôn phía Nam, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực duy trì hoạt động 30 đến 50% công suất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại những doanh nghiệp nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản, nợ nần do ngưng hoạt động thời gian dài, không có doanh thu nhiều tháng qua. Vốn đang là vấn đề mang tính sống còn đối với doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, doanh nghiệp đã vay vốn và nay thời điểm đáo hạn khoản vay cận kề mà chưa biết phải làm sao. Các khoản nợ thuế cũng chưa thể trả.
Ông Vinh kiến nghị: "Các ngân hàng nên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc giãn nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc sản xuất. Ngân hàng Nhà nước nếu có cú hích về tài chính tín chấp thì tôi nghĩ sự phục hồi kinh tế sẽ chuyển động nhanh hơn".
Trao đổi thêm về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, người nông dân cần thực hiện kinh doanh trực tuyến để đơn giản hóa hoạt động hậu cần trong điều kiện thiếu vốn, thiếu nhân sự. Quan trọng hơn nữa là kinh doanh trực tuyến sẽ giảm bớt những tác động của các biện pháp phòng chống dịch đến giao dịch, lưu thông hàng hoá. Chính phủ cũng cần sớm xem xét đẩy mạnh các khoản hỗ trợ. Ngoài giảm lãi suất ngân hàng, có thể tăng hạn mức tín dụng, có những gói tín dụng đặc biệt cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI), cần tăng cường khả năng phục hồi cho doanh nghiệp nông nghiệp thông qua những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ và linh hoạt hơn: "Trước khi tính chuyện phục hồi thì doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cần tồn tại đã. Tôi cũng tin rằng với chủ trương chung là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta sẽ có nhiều biện pháp kịp thời. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần phải xây dựng được chiến lược phục hồi về cách kinh doanh phát triển trực tuyến, tận dụng tất cả các kênh phân phối để doanh nghiệp, người nông dân kịp thời phát huy hiệu quả, nhanh chóng phục hồi trong trạng thái bình thường".
Không chỉ riêng TP.HCM mà hiện nay những tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam căn cứ vào việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn để có những quy định mở cửa cho phù hợp trong tình hình mới. Do đó, về lâu dài, các doanh nghiệp, HTX cần tăng cường liên kết cùng ngành hàng, liên kết vùng để kết nối và hỗ trợ nhau từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, HTX, người nông dân có chung ngành hàng và ứng dụng các phương thức trực tuyến trong sản xuất kinh doanh thì mới mong tồn tại và phục hồi như kỳ vọng.