Chuyển đổi số: Chìa khóa để ngành nông nghiệp bứt tốc
(DNTO) - Ngành nông nghiệp được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu “lung lay” trước tác động mạnh của Covid-19. Chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của dịch bệnh để hướng tới phát triển bền vững.
Chuyển đổi số nông nghiệp cần được làm nhanh và quyết liệt hơn
Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị, cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ..., vẫn luôn là "căn bệnh trầm kha" cản đà tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua.
Đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19, "trụ đỡ" nền kinh tế có dấu hiệu “hụt hơi”. Minh chứng rõ nét nhất là xuất khẩu của toàn ngành đã giảm tốc do khó khăn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8/2021 ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021.
Tại tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ”, ngày 23/9, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể chậm trễ, phải bứt tốc làm nhanh và quyết liệt để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
"Quá trình chuyển đổi số giúp nông dân không chỉ bán sản phẩm đó mà còn bán cả giá trị của sản phẩm đó. Chúng ta hình dung trước đây nông dân vùng sâu, vùng xa muốn tham gia các hoạt động của Trung tâm khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì chúng ta sẽ vươn cánh tay đến vùng xa xôi nhất", ông Thanh cho hay.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, dịch Covid-19 vừa là thách thức cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; người dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Hoạt động của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT với hơn 1.400 đầu mối kết nối, cung ứng tiêu thụ nông sản đã cho thấy điều này.
"Kết nối tiêu thụ nông sản năm 2021 có sự thay đổi về tư duy. Mấy năm trước chúng ta hay dùng từ giải cứu nông sản. Trong dịch Covid-19, bắt đầu chúng ta phải thay đổi, phải có sự vào cuộc liên ngành, không chỉ ngành nông nghiệp, công thương mà còn ngành công nghệ", ông Đào Thế Anh nói.
Nêu tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trung tâm đã phối hợp cùng 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch; huyện Hương Khê tập huấn cài đặt ứng dụng, vận hành hệ thống xây dựng cơ sở dữ liệu số để phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, số hóa, quản lý điện tử trên môi trường mạng.
"Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, đơn vị đã số hóa trên diện tích 990 ha bưởi. Sau 22 ngày, Hương Khê đã tiêu thụ được 70% sản lượng Phúc Trạch với số lượng 14.000 tấn; trong đó, một số lượng lớn bưởi Phúc Trạch đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử", ông Trí thông tin, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp khác như: cam Chanh, cam Bù... nhằm giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tập trung giải pháp chuyển đổi số
Nói về giải pháp để tập trung chuyển đổi số, TS Đào Thế Anh nhấn mạnh: Đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp, có 3 mảng chính, đó là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, cần đẩy mạnh xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ số.
Thứ ba, cần tăng cường đào tạo năng lực, kỹ năng về bán hàng online cho nông dân, hợp tác xã, trong đó nhấn mạnh vai trò trọng yếu của HTX, nhất là mô hình hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu người nông dân là trung tâm.
Cũng theo ông Đào Thế Anh, hiện nay, Viện khoa học nông nghiệp đã thành lập câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả. Buổi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, câu lạc bộ này đều có những buổi đào tạo online về công nghệ sản xuất, kỹ năng bán hàng cho nhóm này.
"Thông qua hoạt động này họ sẽ biết đâu là vùng truy xuất, đâu là VietGAP, đâu là hữu cơ. Từ đó, sản phẩm của người nông dân có thể bán được sản phẩm từ khi bắt đầu sản xuất. Chứ không phải thu hoạch xong mới đi tìm kiếm thị trường…thì công nghệ số sẽ giúp được người nông dân như vậy", ông Thanh cho hay.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển đổi số trong nông nghiệp thiết thực, hiệu quả, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một "luồng sinh khí mới".
Đặc biệt, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10 nghìn người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người.
Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.