Tiếp tục 'trợ lực' cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh chống dịch mới
(DNTO) - Thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế là sự chia sẻ, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN), giống như "liều thuốc giảm đau”, liều “vaccine” rất cần thiết và kịp thời để vực DN tái sản xuất trong bối cảnh mới.
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành nghề như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình...
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp để kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, điểm nhấn chính trong đợt đề xuất hỗ trợ lần này là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng, trong đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các DN nhỏ và vừa quy mô dưới 200 tỷ đồng.
Đồng thời, không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập; doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2021 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nhân với 12 tháng.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập; doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
Về cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, dự thảo nêu rõ:
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm quy định tại nghị định này được tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về kê khai giảm thuế: Căn cứ tổng doanh thu năm 2019 và dự kiến tổng doanh thu năm 2021, người nộp thuế tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý.
“Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay khiến công tác thu ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 còn nhiều thách thức. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay, để đưa ra những giải pháp giảm thuế và tiền chậm nộp với quy mô như Bộ Tài chính đề xuất đã là cố gắng rất lớn, là trợ lực rất cần thiết cho DN có thêm nguồn lực trước mắt duy trì hoạt động.
“Đây là gói hỗ trợ lớn trong những tháng cuối năm, đặc biệt đối tượng được thụ hưởng chính sách đã được "mở" hết mức nhằm đảm bảo bất cứ người nộp thuế nào cũng sẽ nhận được hỗ trợ về thuế. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ này bởi lẽ Bộ Tài chính đã không "bỏ quên" hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, một lần nữa dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động từ dịch Covid-19 của Bộ Tài chính được chờ đợi như chiếc “phao cứu sinh” cho DN trước làn sóng Covid lần thứ 4.
Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận.
“Khi có các văn bản hướng dẫn, cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời gửi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua Zalo, hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra", bà Cúc khuyến nghị.