Đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn của Vĩnh Phúc lên sàn thương mại điện tử Voso.vn
(DNTO) - Ngày 15/9, để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch cho người dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường xúc tiến thương mại, từng bước tháo gỡ khó khăn để tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; có 130 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, OCOP từ 3 sao trở lên đảm bảo yêu cầu có thể tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là các sản phẩm có tính chất mùa vụ tại các kênh bán hàng truyền thống.
Việc bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp giúp nông dân ổn định đầu ra, đưa sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn phòng dịch, hướng tới mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, ngày 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc, tổ chức ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm an toàn của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc, tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị đầu tiên đưa sản phẩm rau lên sàn thương mại điện tử Voso.vn chia sẻ, khi đưa các sản phẩm rau lên sàn thương mại điện tử, hợp tác xã có thể đi được các đơn hàng nhỏ với khoảng cách xa, không chỉ nội tỉnh mà khắp mọi miền đất nước, từ đó mở rộng được đối tượng khách hàng.
Hiện nay, Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc đang nghiên cứu, lựa chọn sản xuất các sản phẩm phù hợp với việc vận chuyển để có thể đưa được nhiều sản phẩm lên sàn hơn nữa, phục vụ người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc đã và đang được áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, vật tư, quy trình công nghệ vào các khâu như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông sản an toàn để cung cấp ổn định cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu.
"Việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, về lâu dài đây là kênh tiêu thụ nông sản an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho hàng nông sản của tỉnh", ông Dũng cho hay.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc sẽ kết nối tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất nông sản có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGap hoặc OCOP với sàn giao dịch thương mại điện tử voso.vn để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.