Hỗ trợ nông dân 2 tỉnh đưa trái nhãn lên sàn thương mại điện tử
(DNTO) - Nhằm tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, sáng 29/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn.
Trong khi đó tại Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh là 3.130 ha, diện tích đang cho trái là 2.536 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn.
Tuy nhiên theo thông tin từ nông dân hai tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, giá nhãn hiện nay đang rớt vì khó tìm nơi tiêu thụ.
Cụ thể, nhãn xuồng được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg, giảm hơn 8.000 đồng/kg so với tháng trước; nhãn Idor giá 18.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước.
Như vậy, 2 địa phương với những sản phẩm chủ lực như trên đang rất cần kết nối để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, đồng thời cũng là hoạt động kết nối, bàn giải pháp tháo gỡ tiêu thụ sản phẩm quả nhãn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Do đó, với mục tiêu đồng hành cùng các địa phương, “san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”, Bộ NN&PTNT nhận định, cần đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Cụ thể, vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống, vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online, hạ tầng internet thông qua các mạng xã hội facebook, zalo, fanpage... để giúp đường đi của trái nhãn và nông sản hàng hóa các địa phương này bớt nhọc nhằn.
Về vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, cho hay, Cục đã có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ NN&PTNT giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada…, và hỗ trợ phát trực tiếp cho bà con để hỗ trợ hàng Việt Nam tiêu thụ nhanh hơn.
"Hiện chúng tôi có cổng thông tin tuhaoviet.vn. Mọi thông tin hỗ trợ về các gian hàng Việt trực tuyến chúng tôi đều đăng tải tại đây để hỗ trợ mọi sản phẩm nông nghiệp. Nếu bà con nông dân còn bỡ ngỡ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ giống như bán nho xanh ở Ninh Thuận, bơ ở Đắk Lăk, khoai lang tím ở Vĩnh Long. Chúng tôi sẽ cùng đóng gói, quảng bá cho các sản phẩm", ông Hoàng chia sẻ.
Liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT, đại diện Postmart Sóc Trăng cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã hỗ trợ nhà cung cấp đưa lên sàn 75 sản phẩm, trong đó có 65 sản phẩm OCOP là các sản phẩm đặc trưng như: lạp sườn, bánh pía… Trong tháng 7 và tháng 8 này có nhãn xuồng Vĩnh Châu.
“Chỉ trong 10 ngày gần đây, khi đưa sản phẩm nhãn xuồng Vĩnh Châu lên sàn thương mại điện tử, chúng tôi đã tiêu thụ được hơn 200kg thông qua sàn thương mại online, tiêu thụ được 1,2 tấn thông qua các điểm giao dịch của bưu điện và giao hàng tại nhà với các khách hàng muốn mua với số lượng lớn”, đại diện PostMart Sóc Trăng cho hay.
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, với sự phát triển của thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cần có những bộ phận marketing để giới thiệu và bán hàng trên trang thương mại điện tử. Trong đó không thể bỏ qua kênh phân phối siêu thị.
"Bán lẻ qua siêu thị là kênh rất tốt để giúp nhà sản xuất có đầu ra và giá bán ổn định. Chúng tôi rất sẵn sàng tiếp đón sản phẩm của các nhà sản xuất để đa dạng hàng hóa trên quầy kệ, tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng. Chúng tôi mong các nhà sản xuất tính toán được vấn đề này để có thể phối hợp với các kênh bán lẻ một cách hiệu quả", bà Hậu nói.