Nỗ lực tìm đường đưa quả nhãn tươi sang Nhật Bản
(DNTO) - Hiện Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đang nỗ lực đàm phán để đưa thêm nhiều loại nông sản của Việt Nam vào thị trường này.
Quả nhãn là một loại trái cây đặc trưng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số quốc gia hiện nay trồng nhãn với diện tích lớn bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…
Tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam (nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể.
Nhật Bản hiện chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô/đông lạnh để làm nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm chè, nước giải khát…
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hiện nước này chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của Việt Nam. Quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản cho một loại trái cây tươi của Việt Nam chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước.
Thương vụ đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ quá trình mở cửa thị trường, nhằm mục tiêu giúp thêm nhiều sản phẩm Việt Nam có thể thâm nhập thành công, từ đó củng cố và nâng cao vị thế và thương hiệu tại Nhật Bản.
Là loại quả cùng họ với quả nhãn, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức kể từ tháng 12/2019, sau 5 năm đàm phán.
Trải qua hai mùa vụ 2020 và 2021, qua nhiều nỗ lực xuất khẩu và quảng bá thương hiệu, quả vải thiều tươi của Việt Nam cũng đã tạo được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản, không chỉ được đón nhận bởi cộng đồng người Việt sống tại đây mà còn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản vì hương vị tươi ngon hơn so với vải Đài Loan hay Trung Quốc.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, với số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản tăng nhanh qua từng năm, cùng sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản, các mặt hàng thực phẩm nguồn gốc Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, được đánh giá có nhiều tiềm năng để thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường này.