Đằng sau những hợp đồng bao tiêu xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang Nhật
(DNTO) - Khéo léo đưa câu chuyện quả vải trong các buổi tiếp xúc với đối tác Nhật, sử dụng làm quà tặng lãnh đạo cấp cao, phổ biến rộng rãi thông tin quả vải đến nhà thu mua, người dân Nhật Bản…, là cách mà các cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam đã và đang làm để quảng bá loại quả đặc sản này.
Sau 5 năm nỗ lực đàm phán, tháng 12/2019, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức mở cửa cho vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này, kèm theo một loạt những yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật.
Tháng 6/2020, khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản), quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản hồ hởi đón nhận. Cũng trong năm 2020, vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật (xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Đài Loan), theo thống kê của Hải quan Nhật Bản.
Do năm 2020 là năm đầu tiên vải Việt Nam đặt chân đến thị trường này nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên, do quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, niên vụ vải 2021, các công ty Nhật Bản dự kiến nhập khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi Việt Nam.
Tính đến ngày 30/5/2021, đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, với giá thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg; giá bán tại Nhật khoảng 340.000 đồng/kg. Hiện vải Việt Nam đang “cháy hàng” tại Nhật Bản.
Giao thương “ảo”, đơn hàng thật
Việc vải Việt Nam có thể thuận lợi tiến vào Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, ngoài sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp, người trồng vải, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam, đã tích cực vận dụng linh hoạt nhiều hình thức quảng bá để đưa hình ảnh vải thiều đến từng người dân Nhật Bản.
Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Đại sứ quán đã và đang nỗ lực tăng cường triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi Việt Nam tại thủ đô Tokyo cũng như nhiều địa phương của Nhật Bản.
Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan phía Nhật Bản tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON tại Saitama, Kagoshima… nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam, trong đó nổi bật là quả vải.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc tổ chức các sự kiện kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp xuất khẩu vải của Việt Nam với nhà thu mua, phân phối các nước là một trong những hình thức quảng bá hiệu quả sản phẩm vải Việt Nam.
“Thông qua các sự kiện này, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam, các địa phương trồng vải Việt Nam đã giới thiệu tới các khách hàng tiềm năng Nhật Bản những đặc tính nổi trội của quả vải thiều Việt Nam, tính quy mô hàng hóa lớn của các vùng trồng vải, năng lực đáp ứng đa dạng đơn hàng vải thiều của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, đơn vị chủ trì thực hiện hàng loạt các chương trình, hoạt động kết nối giao thương trực tuyến thời gian qua, cho biết.
Kết quả là một số hợp đồng hợp tác bao tiêu, xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký kết. Trong đó có Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ đã chốt được đơn hàng xuất khẩu vải thiều cho hai đối tác mới và quan trọng tại Nhật Bản. Dự kiến các lô hàng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang), sẽ được xuất khẩu bởi Công ty Rồng Đỏ sang Nhật Bản ngay trong ngày 15/6 và vài ngày tới.
Bên cạnh các lô hàng này, Công ty Rồng Đỏ cũng đã và đang xuất khẩu trái vải thiều cho hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản. Sự kiện tuần hàng từ 25-27/6 tới sẽ diễn ra tại 300 điểm cửa hàng của AEON trên toàn quốc cũng tập trung giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo người Việt Nam tại Nhật về trái vải thiều thơm ngon nức tiếng của Việt Nam
Kênh ngoại giao phát huy hiệu quả
Không chỉ thông qua những kênh thương mại trực tiếp, tại thị trường Nhật Bản, các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam còn nỗ lực tận dụng kênh ngoại giao để quả vải Việt được nhiều người Nhật biết đến.
Câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam thường được nhắc tới trong các buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản. Mùa vải năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã mua vải để làm quà cho các đối tác cấp cao quan trọng ở nước này.
Mới đây, trên cơ sở tư vấn của Cục Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ đã gửi lô hàng vải mẫu (có tem truy xuất nguồn gốc itrace247) sang Nhật Bản để sử dụng làm quà tặng của Đại sứ Việt Nam tới các lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cơ quan xúc tiến liên quan của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông uy tín của Việt Nam và Nhật Bản…
Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho biết, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Việc tận dụng các kênh ngoại giao để quảng bá vải thiều sẽ mang hiệu quả rất lớn đến việc quảng bá sản phẩm này.
“Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều”, ông Nam chia sẻ.
Truy xuất nguồn gốc – bước đi chiến lược thâm nhập thị trường bền vững
Điểm đặc biệt trong năm nay là nhiều lô vải thiều tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp tăng số lượng xuất khẩu và khai mở các kênh phân phối mới, mà bước đi chiến lược để đưa quả vải Việt Nam có sự thâm nhập và phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng thông qua các biện pháp tăng cường sự nhận diện thương hiệu vải Việt Nam và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài.
Bởi lẽ, việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm từ lúc hình thành, phát triển, cho đến khi đến tận tay khách hàng. Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Qua tem itrace247 trên các hộp vải, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về quá trình quả vải thiều Việt Nam được vun trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển an toàn, đảm bảo chất lượng khi đến tay họ. Từ đó, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ yên tâm, tin tưởng lựa chọn vải thiều Việt Nam; đồng thời giới thiệu, quảng bá tới người thân, bạn bè không chỉ quả vải Việt Nam mà cả văn hóa, con người Việt Nam.