Hiệu ứng lan truyền, vải Việt Nam được doanh nghiệp tại Nhật ‘đua’ nhau nhập hàng
(DNTO) - Ngày 17/6, gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được đối tác nhập khẩu mới tại Nhật Bản chuyển đến 150 đầu mối bán lẻ trên khắp nước Nhật. Trước đó, một lô vải thiều Thanh Hà khác cũng được một đối tác tiềm năng lớn tại Nhật lần đầu tiên nhập mẫu để phân phối ở thị trường này.
Ngoài các chuỗi siêu thị của Nhật Bản, năm nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp/cửa hàng do người Việt làm chủ đứng ra nhập khẩu vải thiều, bán trực tiếp hoặc online để phục vụ cộng đồng người Việt trên khắp Nhật Bản.
Do 2020 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vải thiều sang Nhật nên các doanh nghiệp Nhật còn e dè để thăm dò thị trường, vì vậy, số lượng vải thiều nhập khẩu không lớn và thời gian bán không được dài. Rất nhiều người Việt Nam cũng như người Nhật bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa được thưởng thức quả vải trong vụ mùa năm ngoái.
Năm nay, theo thông tin tổng hợp từ các đầu mối xuất nhập khẩu của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản. Vải tươi của Việt Nam được xem là loại hoa quả quý, có giá trị mà Nhật Bản chỉ có thể trồng được ở tỉnh Miyzaki với số lượng hàng năm không nhiều.
“Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản nói rằng từ trước đến giờ chưa từng được ăn quả vải tươi ngon và có hương thơm dịu nhẹ như thế này. Họ còn đưa ra những cảm nhận về vị giác, về cách ăn, về giá bán, về cách nên đưa trái vải vào hệ thống siêu thị nào để nâng cao được giá trị của quả vải” - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Việt Nam đã mất hơn 5 năm để trao đổi đàm phán, thực hiện nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn khắt khe từ lựa chọn giống vải, đăng ký vùng trồng, chăm bón, diệt sâu bệnh, thu hoạch rồi tìm kiếm đối tác xuất khẩu, đàm phán giá cả… mới có thể thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Tuy vậy, kể cả khi đã thâm nhập thành công nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc vô cùng khó. Thị trường Nhật Bản là thị trường nổi tiếng là khó tính, nếu để chất lượng quả vải xuất sang Nhật vì bất cứ lý do gì không được tốt, dù từ phía người nông dân hay doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần một lô quả vải không đảm bảo tươi ngon, không đạt chất lượng thì bao nhiêu công sức của bà con nông dân trồng ra được quả vải ngon sẽ không còn ý nghĩa.
Do đó, để phát triển bền vững thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo cần có sự liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả vải thiều tươi giữ được độ tươi ngon, từ đó giữ vững thương hiệu và thị trường.
Bên cạnh đó, khâu giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng tại thị trường Nhật Bản cũng rất quan trọng. Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan ở trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối của Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này, giúp cho quả vải thiều Việt Nam được nhiều người Nhật biết tới hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, ngoài trái vải, khách nhập khẩu Nhật Bản còn có nhu cầu nhập từ Việt Nam mía, xoài xanh, dừa, củ sả tươi….
Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản nhưng đã chiếm tới 10% thị phần, xếp vị trí thứ 3, sau vải Trung Quốc và Đài Loan.
Trước đó, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu quả vải tươi từ Đài Loan và Trung Quốc. Năm 2019, sản lượng vải Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật là 102 tấn, tiếp sau là Đài Loan (khoảng 100 tấn), Mexico (hơn 6 tấn), Honduras (gần 3 tấn) và Hoa Kỳ (gần 1 tấn).