Nhãn Sơn La chính thức 'đặt chân' sang thị trường EU và Vương quốc Anh
(DNTO) - Ngày 21/7, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn Sơn La", và chính thức cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh.
Nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tỉnh Sơn La. Những năm trở lại đây, sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng, bắt mắt.
Theo thống kê, năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt hơn 19.200 ha, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng đạt 98.500 tấn.
Riêng huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La với trên 7.200 ha trồng nhãn; trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch nhãn, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm việc xuất khẩu, tiêu thụ nhãn của bà con nông dân gián đoạn khó khăn.
Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như: Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tuyển chọn các sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nhãn Sơn La...
Đặc biệt, việc nhãn Sơn La được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã đánh dấu bước ngoặt trong xúc tiến thương mại, khẳng định sản phẩm nhãn của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính".
Tại buổi lễ công bố, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 25 hợp tác xã của huyện Sông Mã. Các đại biểu cũng đã cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La chính thức "lên đường" sang thị trường EU và Vương quốc Anh.
"Việc xuất khẩu thành công sản phẩm nhãn sang thị trường EU và Vương quốc Anh góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung", ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bày tỏ.
Cũng theo ông Khánh, để phát triển các sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, tỉnh Sơn La đã áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến theo hướng bền vững và gia tăng giá trị; sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường...
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.