25 tấn xoài tượng da xanh Sơn La 'đặt chân' sang thị trường Australia
(DNTO) - Tỉnh Sơn La vừa công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu "Xoài Sơn La" và xuất khẩu 25 tấn xoài sang thị trường Australia. Ngoài ra, để tiêu thụ 65.000 tấn xoài, nông dân Sơn La không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn livestream bán hàng trên Facebook, sàn thương mại điện tử.
Xoài Sơn la khẳng định "vị thế" mới
Tỉnh Sơn La hiện có trên 19.000ha xoài, tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, Thuận Châu. Sản lượng ước đạt 65.000 tấn, thời gian thu hoạch tháng 5 - 8.
Tỉnh cũng cấp mã số cho 71 vùng trồng xoài xuất khẩu với diện tích gần 1.600ha. Đặc trưng vùng trồng này đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như lai ghép, tỉa cành, tạo tán, bao trái xoài…
Tại lễ công bố, lãnh đạo UBND tỉnh đã chuyển trao Chứng nhận Văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu “Xoài Sơn La” của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La quản lý.
Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã công bố quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Sơn La” cho 4 hợp tác xã: Thiên Tân, Ngọc Lan, Nhãn chín muộn và Anh Trang.
Ngay sau lễ công bố, 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn đã được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Mai (Mai Sơn) thu mua, đóng gói xuất khẩu sang thị trường Australia.
Việc xuất khẩu lô xoài đầu tiên trong vụ sang thị trường Australia khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Đồng thời, giúp nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm quả xoài, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, phát triển thương hiệu xoài Sơn La và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, người tiêu dùng.
Đưa xoài Sơn La lên "chợ mạng"
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương. Không để nông sản ùn ứ, nông dân Sơn La bán nông sản trên mạng xã hội Facebook, Zalo trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian.
Các mặt hàng được nông dân đăng tải đầy đủ thông tin về hình ảnh, video, giá và livestream khâu thu hái, chăm sóc tận vườn để khách hàng yên tâm lựa chọn.
Bên cạnh đó, người dân cũng tham gia các hội nhóm tiểu thương, chợ đầu mối, hội kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với hàng chục nghìn thành viên và hàng chục loại mặt hàng được đăng bán mỗi ngày.
Ngoài kênh bán hàng trên trang Facebook, Zalo, UBND tỉnh Sơn La phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Shopee, Postmart… Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream khá phù hợp với điều kiện của tỉnh Sơn La.
"Bán hàng trên Facebook rất thuận tiện bởi sản phẩm chỉ cần chất lượng ổn định và lòng tin của người mua hàng. Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với tỉnh Sơn La hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số", ông Phú cho hay.