Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cần nguồn lực lớn hơn
(DNTO) - Tại phiên thảo luận trực tuyến tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chiều 7/1, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị sớm triển khai gói hỗ trợ nhằm tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt khó do đại dịch Covid-19.
Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đồng tình với 5 nhóm giải pháp đã được Chính phủ đưa ra, nhất là các giải pháp về đầu tư để nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, song đại biểu nghị Chính phủ, nghiên cứu bổ sung vào Nghị quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã với nguồn lực lớn hơn, chính sách can thiệp rộng hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Có như vậy nền kinh tế mới sớm phục hồi và phát triển, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ và xuất nhập khẩu.
Đồng tình với việc chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng theo Điểm b, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết để tập trung triển khai trong 2 năm 2022-2023, đại biểu cho rằng, phải đảm bảo nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong chương trình ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong hai năm 2022, 2023. Đại biểu đồng tình bổ sung 102.000 tỷ đồng nêu tại Điểm d, Điều 3 để bổ sung kế hoạch đầu tư công của năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội đã có đủ thủ tục theo quy định với các nguyên tắc nêu tại dự thảo nghị quyết.
Liên quan đến gói giải pháp phục hồi kinh tế, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), cho rằng, quy mô của gói giải pháp phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Ông Lộc cho biết cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhưng ông đề nghị sửa tên Nghị quyết thành Nghị quyết về các Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Bởi theo ông Lộc: “Chính phủ đang triển khai 2 chương trình song hành, trong y tế có kinh tế và trong kinh tế có y tế. Nội dung các giải pháp đưa ra cũng bao gồm những giải pháp để hỗ trợ tăng cường năng lực của hệ thống y tế và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, đủ bao quát cho hai Chương trình của Chính phủ. Xác định rõ tâm thế trong giai đoạn phục hồi và phát triển sắp tới, đầu tiên là hướng tới mục tiêu, sau đó chuyển sang chung sống và thích ứng một cách hiệu quả”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đồng tình với quy mô và kết cấu của các giải pháp mà Chính phủ đã trình ra Quốc hội, ông Lộc cho rằng, quy mô của gói giải pháp như vậy là phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, phù hợp với chức sức chịu đựng của hệ thống tài chính tiền tệ đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống là yếu tố nền tảng bất khả xâm phạm. Bởi vì, bất ổn định sẽ mất tất cả. Chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế hiện nay khi áp lực lạm phát đang lớn và áp lực nợ xấu cũng gia tăng.
“Trong hai năm qua, ngân sách nhà nước, các chính sách tiền tệ đã góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế khi cho vay để cơ cấu lại nợ, không tăng nhóm nợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Như vậy, rủi ro về tín dụng, rủi ro về nợ xấu tăng lên. Trên thế giới, các ngân hàng Trung ương của các quốc gia đang siết chặt lại chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Đây là xu hướng chung của cả thế giới và các cái bài học nhãn tiền, khủng hoảng kinh tế vào giai đoạn 2008 – 2013 vẫn còn nóng hổi đối với chúng ta”, ông Lộc phân tích.
Từ phân tích này, ông Vũ Tiến Lộc đồng tình với quan điểm của Chính phủ là đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng, tích hợp với chính sách tài khóa, tiền tệ để đưa ra gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp là 2%.