'Sức bật' mới từ những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam
(DNTO) - Những số liệu về kinh tế trong 5 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại, kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh chóng, những “trụ cột” của nước nhà lần nữa lại được “lửa thử vàng”.
Dù còn gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị trên thế giới và dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc nhưng bức tranh chung của kinh tế Việt Nam đã có nhiều gam màu sáng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Bức tranh kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12.1%.
Đặc biệt, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89.6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62.3%). Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 516 triệu USD.
Điển hình là ngành thủy sản, kết thúc quý I với sự tăng trưởng ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, quý II tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD nhờ các mặt hàng chủ lực.
Điểm sáng trong bức tranh ngành thủy sản phải kể đến xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm đạt 950 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, mới có thêm 6 doanh nghiệp được Mỹ cấp phép xuất khẩu cá tra sang thị trường này, nâng tổng số lượng lên 19. Còn tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu chế biến và tiêu thụ nội địa dự báo sẽ rất lớn.
"Theo thông tin chúng tôi biết được, Thượng Hải đã mở cửa một phần và hy vọng việc mở cửa toàn thị trường Trung Quốc sẽ sớm. Vấn đề phục hồi của thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam lớn nhất sẽ là dấu hiệu tích cực của xuất khẩu thuỷ sản quý II", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định.
Một mặt hàng xuất khẩu khác đang giữ vững phong độ và kín đơn hàng đến quý 4/2022 là ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ. Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết: “Khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng.
Doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý 3, thậm chí là hết năm 2022. Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng như hiện nay thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỉ USD cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi”.
Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước đạt trên 553 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán. Trong đó, các khoản thu từ nội địa, chưa tính tiền sử dụng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy "sức khỏe" của doanh nghiệp đang dần tốt lên.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Quốc hội đã đồng ý tăng giờ làm thêm cho người lao động, khi đó doanh nghiệp giải toả được áp lực về đơn hàng đang tồn đọng rất nhiều. Hiện nay chúng ta đã giảm thuế xăng dầu, giảm đi áp lực chi phí đối với doanh nghiệp. Cùng với đó là các giải pháp về môi trường kinh doanh đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ".
Hiện có 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1/1/2022. Các hiệp định thương mại tự do này đang hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để chinh phục nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đây là cơ sở để kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2022, các chuyên gia cho rằng, nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã cán mức kỷ lục với 48,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng.
“Để đạt được kết quả đó, chúng tôi tự tin trong việc cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn, “tư lệnh” ngành nông nghiệp cho hay, nước ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường, khi đó, khơi thông dòng chảy nông sản.
"Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tháo gỡ thị trường là quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và những nông sản của chúng ta bắt đầu đến được các thị trường đó một cách tự tin", Bộ trưởng nhìn nhận.
Kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện qua con số FDI thực hiện ở mức cao nhất quý 1 trong 5 năm nay. Thực tế thời gian đã có thêm nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến chế tạo, sản xuất được hình thành từ nguồn vốn của các "đại bàng".
Ông Tim Leelaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định: “Việt Nam đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tăng tốc thu hút vốn ngoại. Đó là chính trị ổn định, cơ hội hưởng lợi hạ tầng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai, khắc phục sản xuất kinh tế sau đại dịch tốt, tiềm năng về nhân lực...”.
Có thể nói, sau giai đoạn dài đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giờ nền kinh tế đang dần lấy lại đà phục hồi. Tuy vậy chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có được sự tăng trường bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện nay yếu tố giá nhiên liệu và nguyên liệu nhiều mặt hàng trên thế giới tăng do tình hình quân sự thế giới biến động. Đây là phần chi phí đẩy mà không nền kinh tế nào tránh khỏi và chúng ta phải chấp nhận.
Song các chuyên gia cũng đánh giá trong cả năm mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong khoảng là 4% cũng là rất tốt và chấp nhận được. Để làm được điều này, phải ý thức sâu sắc rằng thế giới biến động rất thất thường Việt Nam cần phải có những biện pháp dự phòng để ứng phó đặc biệt là nhóm hàng nhà nước quản lý giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc thích nghi với xu thế biến động.