'Thắng lớn' tại Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực giữ thị phần
(DNTO) - Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Mỹ liên tiếp bật tăng trong quý I và dự báo sẽ bùng nổ hơn nữa khi dư địa xuất khẩu vẫn rộng mở. Các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục "đánh" sâu vào thị trường này, doanh nghiệp Việt phải “lột xác” mạnh theo hướng tích cực mới có thể bám sâu, bám chắc.
Lạc quan với nhiều đơn hàng khủng bật tăng "3 con số"
Hiện nay, Mỹ đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27,3%.
Trong đó, chỉ tính riêng tháng 4, Mỹ đã chi 275 triệu USD để mua các loại thủy sản của Việt Nam, tăng 84,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ, đạt 87,04 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, 6 loại trái cây tươi đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Đặc biệt, tăng trưởng ấn tượng nhất phải kể đến xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ. Tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt 935 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt 3,33 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Trong quý I/2022, Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh (TP. Hồ Chí Minh) xuất khẩu được 700 container sản phẩm cà phê, hồ tiêu sang thị trường Mỹ. Lượng hàng xuất khẩu của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Hay như 16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… được Công ty cổ phần Pacific Foods xuất khẩu sang Mỹ cuối tháng 4 vừa qua, đã mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lớn trong thời gian tới.
"Theo kế hoạch, trong quý II, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi", ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Pacific Foods cho biết.
Doanh nghiệp lên chiến lược giữ thị phần
Thời gian qua, Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Thương mại song phương Việt-Mỹ được nhìn nhận đang ở giai đoạn thuận lợi nhất từ trước tới nay. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược bài bản, đường dài để tiếp tục bám sâu, bám chắc hơn nữa tại thị trường này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods, để nông sản Việt có thể chinh phục các thị trường khó tính, doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình sản xuất hàng xuất khẩu theo chuỗi giá trị khép kín, quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy với trang thiết bị đạt chuẩn, đảm bảo nông sản không bị tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ các yêu cầu từ nhà nhập khẩu.
"Nông sản Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Mỹ, nhưng để giữ vững phong độ tại đây, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng xuất khẩu để các nhà xuất khẩu Việt Nam cần xác định làm ăn lâu dài với nhà nhập khẩu tại Mỹ để đầu tư bài bản, trúng đích.
Chia sẻ sâu hơn về những thách thức trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC (Mỹ), nêu rõ: Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico… Thị trường nông sản của Mỹ cũng rất mạnh dù chỉ có 17% người dân làm nông nghiệp.
Các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Mỹ. Trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.
“Nếu không thể tự mình phát triển thị trường với thương hiệu riêng, các doanh nghiệp có thể tham gia vào một hệ thống phân phối có sẵn, theo quy chuẩn của nhà phân phối. Đồng thời, doanh nghiệp nên tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục”, bà Jolie Nguyễn chia sẻ.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu đối với nông sản Việt ở thị trường lớn như Mỹ không thể chủ quan hơn được nữa. Một khi các doanh nghiệp còn lơ là đăng ký nhãn hiệu thì chuyện bị “cướp tên” là khó tránh khỏi và chỉ càng thêm bất lợi cho việc xuất khẩu nông sản vào Mỹ.
Theo đó, các doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào hợp đồng mẫu mà phía đối tác Mỹ đưa ra, thay vào đó nên có những điều khoản trong hợp đồng để bảo vệ quyền hạn pháp lý cũng như nhãn hiệu cho doanh nghiệp mình và nhằm giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu vào Mỹ.