Tư lệnh ngành nông nghiệp: 'Làm chính sách phải như doanh nghiệp bán hàng, bán tận tay và bằng mọi cách'
(DNTO) - Hiện nay, trong một nền kinh tế có độ mở lên tới 200%, một nền nông nghiệp xuất khẩu 48 tỷ đô la, thì dứt khoát chúng ta phải biết rõ thị trường ra sao. Nếu không chịu tiếp cận, "chuyển mình" để nắm bắt thông tin, thì chính người nông dân sẽ phải chịu cảnh giải cứu như cái "án treo" cố hữu.
Nền nông nghiệp của chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào, chứ chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường, nên vẫn còn loay hoay câu chuyện phải giải cứu. Bây giờ, cần cung ứng cái thị trường cần, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn, giao hàng ra sao?
Rõ ràng, trong một nền kinh tế có độ mở lên tới 200%, một nền nông nghiệp xuất khẩu 47 - 48 tỷ đô la thì dứt khoát chúng ta phải biết rõ thị trường ra sao, đòi hỏi tiêu chuẩn gì, người tiêu dùng là ai, họ yêu cầu như thế nào, người phân phối ở thị trường là ai, làm thế nào tiếp cận họ?...
"Chúng ta cứ cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi, mà quên tính đến cái giá khi chúng ta không thay đổi, không làm gì. Bây giờ, không còn sức ép bên trong, mà là sức ép toàn cầu.
Ngoài kia gió đang thổi, thế giới đang thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục mãi thế này. Sức ì quán tính rất lớn, đây là thách thức vì chúng ta còn trách nhiệm với 10 triệu hộ nông dân; trách nhiệm với những cam kết của nền nông nghiệp Việt Nam với quốc tế trước định hướng phát triển “minh bạch – sinh thái – bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trăn trở.
Thẳng thắn nhìn nhận, nếu chúng ta không chịu tiếp cận, nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy, thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường.
Chẳng đâu xa xôi, cách đây 2 hôm, (8/5), một lần nữa tình trạng nông sản ùn ứ, rớt giá thảm hại tại Nam bộ lại được đề cập trong cuộc họp khẩn của Bộ NN&PTNT.
"Ba năm trồng cây không bằng một ngày hái quả", song thảm cảnh giá thanh long chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg; mít xuống thấp kỷ lục còn 4.000 đồng/kg, sầu riêng đầu vụ bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ có 40.000 - 50.000 đồng/kg; chuối, giá chỉ có 5.000 đồng/kg... khiến bà con không khỏi âu lo, khóc ròng.
Phải dứt khoát thay đổi để tránh bị thị trường 'quay lưng' thất thường
Để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan quyết liệt: “Để đạt lợi nhuận cao nhất khi bán sản phẩm, chúng ta phải nắm chắc trong tay mình có gì. Muốn vậy, mỗi cán bộ ngành nông nghiệp phải sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách".
Khái niệm này được ông cắt nghĩa là mỗi chính sách khi xây dựng phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm. Thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đi hỏi, tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật, người làm chính sách phải đưa những quy định mới đến với càng nhiều người càng tốt, thay vì chỉ "gửi công văn đi".
Chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế nông nghiệp, nhưng hình như, sự chuyển dịch mới chỉ nằm ở phía người sản xuất. Để quá trình đi nhanh hơn, xa hơn, hệ sinh thái bao trùm cũng phải được xây dựng theo cơ chế thị trường, trong đó bao gồm cả những cơ chế, chính sách.
"Cán bộ ở sở có nắm được trang Zalo, Viber của các nhà vườn không? Ở trên triển khai nhanh lẹ, nhưng xuống tới địa phương, giao giám đốc sở và "nằm luôn" ở bàn giấy. Đề nghị các địa phương học cách ứng xử của Thái Lan là truyền thông đến người nông dân phòng chống Covid-19, tránh lây chéo lên bao bì sản phẩm. Họ ứng xử linh hoạt, không gửi hồ sơ nhiều lần mà vận động tuyên truyền ngay để không mất thời gian cho nhà vườn. Chúng ta làm chính sách phải như doanh nghiệp đi bán hàng, bán tận tay và bằng mọi cách", ông Hoan yêu cầu.
Cách làm theo kiểu "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” ấy hiện còn xa lạ ở nước ta, đặc biệt là những vùng nông sản trọng điểm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản nội địa cũng gặp nhiều khó khăn khi xảy ra tình trạng ép giá, phá giá hàng hóa. Nguyên nhân còn bởi truyền thông, thông tin còn nhiều sai lệch.
"Đã có tình trạng lái buôn, doanh nghiệp kêu ca, phóng đại, dẫn tới truyền thông hiểu sai và thông tin nhiễu về tình trạng tồn ứ, dư thừa hàng hóa nông sản dù thực trạng không đến mức như vậy. Điều này dẫn tới tình trạng hạ giá, phá giá nông sản nghiêm trọng, thậm chí là giải cứu nông sản với mức giá cực thấp và thiệt hại lớn cho người nông dân", ông Hoan cho hay.
Không những thế, hiện nay sự chủ quan, lơ là từ địa phương, doanh nghiệp là điều khiến Bộ trưởng Lê Minh Hoan phải "tâm tư", bởi dù đang năm 2022, nhưng các tỉnh, thành phố vẫn chỉ thống kê tình hình chỉ đạo sản xuất dựa trên diện tích vùng trồng, sản lượng dự kiến. Một loạt các yếu tố liên quan đến lợi nhuận kinh tế như chi phí sản xuất ra thành phẩm, bản đồ vùng nguyên liệu, hay thời điểm mùa vụ... hầu hết đều "áng chừng", "khoảng", hoặc "có thể là".
“Tôi rất trăn trở khi thấy những người gần gũi bà con nông dân nhất lại không thể khẳng định chất lượng nguyên liệu đầu vào khi mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo quá trình thu mua cả vụ. Mọi dữ liệu về năng suất, sản lượng, chi phí, mùa vụ, mã vùng trồng đều cần thông suốt. Nếu không thể chuẩn hóa toàn bộ từ vùng nguyên liệu, các chính sách hỗ trợ và tính liên kết vùng, lời nguyền "được mùa mất giá" sẽ không thể giải được", Bộ trưởng chỉ rõ.
Về phía doanh nghiệp, và người dân, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, rằng một số đơn vị lớn nhưng vẫn giữ tâm lý chủ quan trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, không chịu lắng nghe tín hiệu từ thị trường xuất khẩu. Người dân cần gia nhập nhiều hơn nữa vào hợp tác xã, nếu người dân không hợp tác thì rất dễ dẫn đến cạnh tranh. Trên quan điểm ấy, hợp tác xã không đơn thuần là một mô hình kinh tế mà là một tư tưởng, một ý thức hệ cần vun đắp từ cơ sở.
"Trước khi nghĩ bán đi đâu, cần phải xem mình bán cái gì. Đó cũng là nhiệm vụ mà địa phương cần phối hợp doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai. Chỉ khi có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về nông sản theo khu vực hoặc liên vùng, chúng ta mới hết nỗi lo trái cây nhà hàng xóm bán được bao nhiêu", Bộ trưởng phân tích.
Để tính chuyện đường dài cho nông sản, ông Hoan cho rằng, Việt Nam hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD như cà phê, gạo, điều, thủy sản, cao su, rau quả, gỗ và đồ gỗ...
Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá ít, do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính, nên "hàng" bị trả về không phải chuyện mới lạ.
"Cần có một cuộc cách mạng trong từng địa phương, đồng ruộng, người nông dân để cùng ngồi lại, thảo luận chiến lược xuất khẩu nông sản. Muốn tiếp cận thị trường nào thì cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người dân ở đó, như người Trung Quốc rất thích thanh long ruột đỏ của Việt Nam nhưng một số nước khác lại thích thanh long ruột trắng... từ đó, tìm cách để chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Hoan dẫn chứng.