Tham vọng 9 tỷ USD cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 liệu có bị lỡ hẹn?
(DNTO) - Xuất khẩu khởi sắc trong quý I/2022 giúp các doanh nghiệp thủy sản lấy lại phong độ sau khó khăn của đại dịch. Tuy nhiên, những thách thức như chi phí sản xuất, quy định kiểm dịch..., vẫn là bài toán khiến các doanh nghiệp đau đầu, tham vọng mang về 9 tỷ USD trong năm 2022 dự báo tiếp tục là con số bị lỡ hẹn.
Xuất khẩu thủy sản vẫn "bơi" trong khó khăn
Hiện nay, sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng.
Tuy nhiên, trong khi những cơ hội về thị trường đang mở ra, thì việc thiếu nguyên liệu, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng như quy định khắt khe về kiểm dịch... vẫn là những thách thức khiến các doanh nghiệp thủy sản đau đầu.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, lưu ý rằng kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 tăng cao một phần là nhờ giá thuỷ sản xuất khẩu tăng. Đó là một tin vui nhưng theo bà cũng phải nhìn ra nguyên nhân đằng sau đó, chi phí đầu vào cao buộc các nhà nhập khẩu phải chấp nhận mua với giá cao trong khi lợi nhuận các nhà xuất khẩu cũng bị thu hẹp.
"Trong bối cảnh bão giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào, tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như mong đợi. Bởi thẳng thắn mà nói, tốc độ tăng giá xuất khẩu không thể bằng tốc độ chi phí sản xuất, bán hàng. Trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Ecuador, Ấn Độ về nguồn cung và giá thành. Các nhà quản lý cần sớm có biện pháp kiểm soát giá cả đầu vào, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế", bà Hằng cho hay.
Bồi thêm những khó khăn, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang chật vật khi TP. Hồ Chí Minh thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu.
"Nếu gánh thêm khoản phí mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP. Hồ Chí Minh sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới phục hồi", ông Hòe cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ không chỉ giá cước vận tải tăng, doanh nghiệp thủy sản đang đối mặt tình trạng phí chồng phí khi hàng loạt vật tư đầu vào đều đồng loạt “bắt tay” tăng giá.
"Hiện, giá tôm giống nhập về đều tăng từ 5-7%; giá cá giống tăng từ 25-30%, thức ăn thủy sản tăng giá trên 5%. Đáng ngại hơn, giá một số hóa chất sử dụng trong nuôi trồng tôm tăng tới 20-30%", ông Lực lo ngại.
Theo các chuyên gia, các thị trường nhập khẩu thủy sản không chỉ có những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng mà còn cả truy xuất nguồn gốc, nhãn sinh thái... Dù được xem là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 95 tỉ USD trong năm 2021, nhưng thị trường Mỹ vẫn còn nhiều rào cản để các doanh nghiệp Việt tăng thêm kim ngạch xuất khẩu.
Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào tháng 7 tới đây, ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang), cho biết vẫn đang cập nhật danh sách các nhà máy của công ty để chờ phía Mỹ xác nhận trước khi xuất khẩu.
"Đây có thể là bước cuối sau 3 năm làm các thủ tục pháp lý, chuẩn bị cho việc đưa hàng vào thị trường lớn nhưng khó tính này. Nhưng điều tôi vẫn còn lo nhất là kiểu tính thuế hồi tố của Mỹ rất khắt khe", ông Nghiệp nói.
Cụ thể, theo ông Nghiệp, việc tính thuế hồi tố của Mỹ nhằm chống bán phá giá khiến việc xuất hàng vào thị trường này gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn, khi được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp được hưởng thuế suất 0%. Song, nếu phát hiện doanh nghiệp bán giá khác, sẽ bị coi là bán phá giá và sẽ đánh thuế suất từ 30-40%. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp đang lo ngại.
Hướng đi nào cho xuất khẩu thủy sản?
Nhìn nhận những thách thức với xuất khẩu trong thời gian tới, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mặc dù được đánh giá là "át chủ bài" xuất khẩu, song hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đe dọa xuất khẩu tôm.
Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đẩy nhanh việc cấp mã số vùng nuôi tôm với những cơ sở đủ điều kiện, không chờ đợi đến khi Nghị định số 26 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được sửa đổi rồi “làm một thể.” Khi đó việc cấp mã số sẽ làm không kịp để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và doanh nghiệp.
Chỉ đạo tại cuộc họp "Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản", mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá, nhiều triển vọng cho xuất khẩu thủy sản, song kỳ vọng cán mốc 9 tỷ USD trong năm 2022 vẫn là con số đầy thách thức. Do đó các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại thuỷ sản có thế mạnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Thứ trưởng Tiến cho hay, Bộ nông nghiệp sẽ theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng thủy sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các cửa khẩu để tận dụng tốt điều kiện ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
"Thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu-nhà máy chế biển-cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.