Hiệp định EVFTA đang tạo 'sức bật' cho thủy sản Việt Nam ra sao?
(DNTO) - Để xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỉ USD thậm chí xa hơn nữa, ngành thủy sản Việt Nam cần cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề hội nhập cũng như tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương thông qua các hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics…
Tự tin chiếm lĩnh nhiều thị trường với giấc mộng 10 tỷ USD
Trong nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan.
Theo EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
Bên cạnh đó, một tín hiệu rất quan trọng trong việc thực hiện hiệp định này là các doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 tăng nhanh chóng. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã cấp 171.000 bộ C/O EUR1 với tổng kim ngạch lên đến 6,63 tỷ USD và chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu sang EU.
Nhờ đó, năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD; Mỹ là khách hàng lớn nhất với hơn 2 tỉ USD, Trung Quốc xếp thứ 2 với gần 1,2 tỉ USD và EU đứng thứ 3 đạt giá trị 1 tỉ USD tương đương tỷ trọng 12%. Đây là một kết quả tích cực trong năm đầu tiên Việt Nam thực thi EVFTA, lợi thế về thuế nhập khẩu đối với các đối thủ đã tạo bệ phóng cho các doanh nghiệp xâm nhập và mở rộng thị trường khu vực này.
Bước sang năm 2022, diện mạo ngành thủy sản ngày càng tươi sáng hơn, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tôm, cá tra Việt Nam không có đối thủ ở EU. Cụ thể, xuất khẩu tôm chân trắng sang EU tăng 59% trong khi xuất khẩu tôm sú tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sú sống, tươi, đông lạnh tăng 117%. Các thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất trong khối EU lần lượt là Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Pháp...
Phân tích về các lợi thế của sản phẩm thủy sản Việt Nam nhờ cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu, chỉ rõ: Thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam được giảm về 0% trong thời gian từ 3 - 5 năm, so sánh với các nước khác, thuế tôm chân trắng của Thái Lan, Ecuador là 12%.
"Sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam gần như không có đối thủ. Trong khi đó, thuế cá tra đông lạnh Việt Nam được EU giảm về 0% trong 3 năm, còn mức thuế của Indonesia là 5,5%, của Trung Quốc là 9%. Các loại thủy sản khác như hàu, sò điệp, bạch tuộc từ Việt Nam cũng được giảm thuế ngay về 0%. Đây là bệ phóng cho doanh nghiệp Việt Nam", bà Thúy nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu vào thị trường EU, cho rằng: “Hiện nay, công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đạt trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới trong khi các nước khác phần lớn sản phẩm vẫn là nguyên liệu thô.
Nhờ nắm bắt đúng xu hướng phát triển của thị trường nên tiềm năng của sản phẩm Việt Nam ở thị trường EU sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Với lợi thế về các hiệp định tự do thương mại với EU lại càng tăng thêm khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt", ông Quang cho hay.
"Để có thể từng bước chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức. Đó chính là việc tuân thủ, thực thi các quy định của Hiệp định EVFTA, như: tuân thủ quy tắc xuất xứ; quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường… Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt tới con số 10 tỉ USD thậm chí 20 tỉ USD sớm hơn các dự báo trước đây do về chế biến chúng ta dẫn đầu về công nghệ", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.