Xuất khẩu thủy sản tiếp tục thể hiện sức hút ở nhiều thị trường lớn
(DNTO) - Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước tiếp tục tăng trưởng cả lượng và giá trị, nhờ doanh nghiệp ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” nhờ đa dạng thị trường thay vì chỉ xuất khẩu sang những thị trường truyền thống.
Quý I/2022, thị trường xuất khẩu thủy sản đã phục hồi, tăng trưởng ấn tượng và hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tới 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021.
Kết quả này chủ yếu nhờ cá tra và tôm vẫn đang trên đà hồi phục mạnh, có những đột phá ngoạn mục. Riêng xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm nổi bật một “màu xanh tăng trưởng” ở hầu hết các thị trường lớn, đạt 646 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm trong các tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh...
Đặc biệt, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, lần đầu tiên tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD, với gần 90.000 tấn, tăng 21% so với năm trước. Dự báo, với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA và thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.
"Bức tranh xuất khẩu thủy sản khởi sắc trong quý I cho thấy các doanh nghiệp khai thác thủy sản Việt Nam đã chuyển hướng thành công các chiến lược kinh doanh, cùng với đó là hiệu quả khi tận dụng các kênh bán lẻ và thương mại điện tử để tăng cường kết nối và mở rộng khách hàng, cũng như tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do giúp cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường lớn đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng nên cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều tích cực sản xuất, lạc quan vào một năm bội thu.
Với nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thị trường thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khấu khẩu thủy sản đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất như Tập đoàn Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta... đều tăng cường tuyển dụng lao động để nhanh chóng thực hiện các đơn hàng cho đối tác sau khi cả nước nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung ứng phó được dịch bệnh Covid-19.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, cho biết hiện công suất của các nhà máy đã trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, công ty chưa nhìn thấy có bất kỳ nguy cơ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ do tỷ lệ tiêm vaccine tại các nhà máy khá cao.
Sau quý I/2022 hồi sinh mạnh mẽ, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia, cho biết, hiện công ty đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2 năm nay. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là với hai thị trường lớn là Mexico và Brazil.
Giữ vững mục tiêu tăng trưởng
Theo các chuyên gia, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Do đó, bài toán đặt ra cho ngành thủy sản phải giữ được nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việt Nam lợi thế là có sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn, khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì chúng ta hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là thị trường EU, Hoa Kỳ và Nga.
"Về phía doanh nghiệp, sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhận nhất nên doanh nghiệp sẵn sàng tận dụng mọi lợi thế để "đánh" vào các thị trường đích, đưa doanh số đi lên", các chuyên gia nhận định.
Dự đoán xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, nhận định, doanh nghiệp thủy sản phải tăng cường theo dõi tình hình để xử lý nguồn hàng xuất khẩu.
"Để khắc phục những khó khăn phát sinh tại một số thị trường như Nga và Ucraina, ngành nông nghiệp và Tổng cục Thủy sản sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ, để tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam…", ông Luân nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay, khó khăn hiện nay doanh nghiệp quan tâm lớn nhất là chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp mong muốn có giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, có được hóa đơn xuất khẩu nhanh chóng. Nếu có được hệ thống cảng tốt, đón được tàu container sẽ giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp", ông Hòe đề xuất.