Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tỷ đô nhờ 'lực kéo' từ tôm và cá tra
(DNTO) - Thị trường rộng mở đã giúp xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm liên tiếp lập kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi đậm đột biến so với cùng kỳ. Song để cán đích thành công trong bối cảnh nhiều biến động, doanh nghiệp thủy sản cần nghiên cứu, hoạch định chiến lược cụ thể và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Giá trị xuất khẩu mỗi tháng đều đạt trên 1 tỷ USD.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, (VASEP), 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng vô cùng ấn tượng, xấp xỉ 6 tỷ USD.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2022 ước đạt 1,1 tỷ USD. Đây là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu thủy sản vượt qua mốc 1 tỷ USD/tháng, điều chưa từng có trong lịch sử. Qua đó, đưa xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ 2021.
Với việc xuất khẩu trong tháng 6 tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD giúp quý 2 vừa qua trở thành quý đầu tiên trong lịch sử ngành thủy sản mà giá trị xuất khẩu mỗi tháng đều đạt trên 1 tỷ USD.
5,8 tỷ USD cũng là mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt được trong thời gian nửa đầu năm của mỗi năm. Bởi trước đây, xuất khẩu thủy sản cùng kỳ đạt được giá trị cao nhất là nửa đầu năm 2021 cũng chỉ trên 4,1 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay đã vượt xa mức kỷ lục cũ gần 2 tỷ USD.
Có được "trái ngọt" trên là nhờ vào sự tăng trưởng ấn tượng của hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra.
Năm nay, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Như vậy, với giá trị đạt được trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã đạt được hơn nửa mục tiêu đề ra và đầy tự tin sẽ đưa ngành tôm lần đầu vượt qua mốc 4 tỷ USD về trị giá xuất khẩu trong một năm.
Điểm sáng ngoạn mục phải kế đến tiếp theo là mặt cá tra, đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Như vậy, xuất khẩu cá tra chỉ trong nửa đầu năm 2022 đã đạt gần bằng cả năm 2021 cộng lại (1,62 tỷ USD).
Theo VASEP, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, là có sự tác động không nhỏ từ Hiệp định EVFTA (nhiều dòng thuế về 0) giúp cho thủy sản Việt Nam có sự cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn cung khác…
"Nếu tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu như trong những tháng qua, đến hết tháng 7, xuất khẩu cá tra hoàn toàn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái và tự tin quay trở lại mốc 2 tỷ USD khi kết thúc năm, thậm chí có thể đạt kỷ lục mới là 2,6 tỷ USD", bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO nhận định.
Doanh nghiệp hồ hởi báo lãi đậm
Nhiều dự báo từ các chuyên gia kỳ vọng rằng xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên chạm mốc 10 tỷ USD trong năm nay. "Bệ phóng" từ 2 nhóm hàng chủ lực có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nên doanh nghiệp thủy sản khá tự tin về thị trường. Nhất là khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì nhu cầu tại các thị trường nước ngoài đều bùng nổ, sản lượng bán và giá bán đồng loạt tăng mạnh. Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ có tiềm lực tài chính và nguồn nuôi sẵn có.
Báo cáo quý đầu năm cho thấy hàng loạt công ty xuất khẩu cá, tôm đạt được mức tăng trưởng cao bằng lần so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận đang quay lại thời kỳ đỉnh cao.
Ở mặt hàng cá tra, công ty đầu ngành là Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 83% đạt 3.276 tỷ đồng, nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng ở hầu hết thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU.
Tương tự, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp do "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh lãnh đạo cũng mang màu sắc tươi sáng. Theo báo cáo tài chính, chỉ trong quý đầu năm nay doanh nghiệp lãi ròng gần 550 tỉ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.920 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành tôm cũng khởi sắc không kém khi ông lớn Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng trưởng 37% về doanh thu đạt 1.328 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 41 tỉ đồng (+36,6% so với quý cùng kỳ năm trước). Năm nay Sao Ta đặt kế hoạch gặt hái 5.290 tỉ đồng doanh thu và 320 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,3% và 10,7% so với năm trước...
Nỗ lực giữ phong độ để cán đích thành công
Sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022 mang lại niềm vui lạc quan cho toàn ngành sau một thời gian gián đoạn để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với nhiều sự biến động từ các lĩnh vực tiền tệ, nguyên nhiên liệu, an ninh thế giới như hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam cảnh báo sẽ có những biến động mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản phải nỗ lực xử lý để giữ thế tăng trưởng.
Theo đó, căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài trong gần 5 tháng qua đã tác động đến giá xăng dầu thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Bên cạnh đó là sự cấm nhập khẩu các sản phẩm cả Pollock của Nga tại một số quốc gia châu Âu. Hiện Trung Quốc vẫn còn kéo dài chiến dịch Zero Covid-19...
Với những biến động này, các chuyên gia ngành cá tra nhìn nhận sẽ là cơ hội cho con cá tra Việt Nam khi tiến vào các thị trường châu Âu vì lựa chọn sản phẩm thay thế con cá pollock của Nga.
Không những vậy, với thị trường Trung Quốc, tồn kho cá tra đang cạn dần bởi các chính sách nhập khẩu ứng phó với dịch bệnh Covid-19, cùng với các Lệnh 248, 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm có hiệu lực từ tháng 4/2022, khiến cho nguồn hàng của Trung Quốc chưa thể bổ sung kịp thời vào kho. Đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam trong những tháng cuối năm tiến vào thị trường này.
Mới đây, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ đã công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ. Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á-Âu. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những lo ngại dự báo khi nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý 3 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.
Thêm nữa, giá xăng càng ngày càng tăng cao đã khiến nhiều ngư dân ngừng ra khơi đánh bắt. Nguyên liệu hải sản khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt nguồn cá đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ và EU. Dự báo, sự mất cân đối nguồn cung này sẽ còn tiếp tục cho tới hết quý 3/2022.
VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung đối với các thị trường riêng lẻ trong khối. Đồng thời, cần nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới...